Nhà yêu nước, vị vua thứ 10 đời nhà Nguyễn (1907 – 1916), con thứ 5 của
vua Thành Thái*. Khi vua cha có tư tưởng tiến bộ bị thực dân Pháp truất phế,
thái tử Vĩnh San mới tám tuổi được đưa lên ngôi vua, niên hiệu là Duy Tân.
Tương truyền khi vua Duy Tân 12 tuổi, một hôm ngự yến ở tòa khâm sứ cùng với
viên cố đạo người Pháp. Viên cố đạo này rành tiếng Việt và cả chữ Hán, thấy nhà
vua có vẻ thông minh nên mới ra một câu đối: “Rút ruột ông vua, tam phân thiên
hạ”. Trong chữ Hán thì chữ Vương là
vua, nếu bỏ nét dọc đi thì thành chữ tam,
nhưng ở đây viên cố đạo tỏ cái thâm ý nhắc đến việc người Pháp chia Việt Nam ra
làm ba kỳ. Vua Duy Tân thấy ngay cái tâm ý ấy nên ứng khẩu đối ngay: “Chặt đầu
tây, tứ hải giao huynh”. Trong chữ Hán, chữ tây
nếu bỏ đầu thì thành chữ tứ, câu đối
của vua Duy Tân tuy không chọi lắm nhưng đã thể hiện tinh thần chống Pháp. Một
lần khác khi ngồi câu cá ở cửa Tùng, nhà vua đã thốt lên lời ai oán: “Ngồi trên
nước mà không ngăn được nước; Buông câu ra đã lỡ phải lần”. Năm 1915, lợi dụng
lúc Pháp đang bận rộn trong Thế chiến thứ nhất, những Đảng viên Việt Nam Quang
Phục Hội như Thái Phiên*, Trần Cao Vân* mưu đồ khởi nghĩa ở Kinh thành Huế, bí
mật tiếp xúc bàn bạc với vua Duy Tân việc cứu nước. Vua Duy Tân hưởng ứng và dự
định ngày 3.5.1916 sẽ phát động cuộc khởi nghĩa. Nhưng cuộc khởi nghĩa chưa nổ
ra thì đã bị bại lộ, thực dân Pháp tước khí giới của binh lính người việt trong
ba tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Vua Duy Tân vẫn không hay biết, nên
đúng ngày đó bí mật ra khỏi hoàng thành, gói ấn tín bỏ ở cửa Tràng Tiền. Vua bị
bắt ở cửa Nam Giao, rồi bị đưa về giam ở đồn Mang Cá (Huế). Sau đó thực dân
Pháp đưa ông xuống tàu để đày sang đảo Réunion. Trên chuyến tàu đi đày này còn
có phụ hoàng của ông là cựu hoàng Thành Thái* nhưng hai vị vua Việt Nam bị trục
xuất ấy không được gặp nhau.
Các tư liệu mới cho biết rằng vào tháng ba năm 1920, cựu hoàng Duy Tân
xuất hiện lại chính trường. Năm ấy Hội nghị Hòa vình các quốc gia châu Âu diễn
ra tại Versaille, Paris. Trong lúc Nguyễn Ái Quốc gửi “Yêu sách của nhân dân Việt Nam” đến Hội nghị thì cựu hoàng Duy Tân
cũng gửi một lá thư đến báo “L`Humanité” đòi Việt Nam phải được trở thành một
quốc gia độc lập và trung lập như mọi quốc gia châu Âu khác.
Năm 1945, quân đội Pháp trở lại Đông Dương, Tướng De Gaulle muốn đưa cựu
hoàng trở lại Việt Nam thay thế Bảo Đại vì vai trò của Bảo Đại không còn mang
tính cách tích cực cho chính sách của Pháp đối với Đông Dương. Ngày 14.12.1945
cựu hoàng rời đảo Réunion đến Paris hội kiến cùng tướng De Gaulle và đi đến thỏa
thuận. Trên đường trở về Réunion để từ giã gia đình, cựu hoàng lâm tại nạn máy
bay tại Oubangui-Chari (Trung Phi). Năm 1987 hài cốt của cựu hoàng được đưa về
chôn cất tại Huế.
V.H.L.
Theo "Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam", Tôn Nữ Quỳnh Trân (CB), NXB Văn hóa thông tin, NXB 1993
No comments:
Post a Comment