Wednesday, June 1, 2016

CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO CỦA TRIỀU NGUYỄN VỚI TRUNG QUỐC VÀ CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á.



PGS.TS. Lê Văn Anhß


Việc tìm hiểu quan hệ ngoại giao của Việt Nam dưới triều Nguyễn với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á sẽ góp phần làm rõ những đặc trưng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn nói chung.
1 – Dựa vào các tài liệu lịch sử cho phép chúng ta khẳng định trong tất cả các quan hệ với các nước, triều Nguyễn đã đặt quan hệ ngoại giao với nhà Mãn Thanh (Trung Quốc) lên hàng ưu tiên số một. Ngay năm 1802, vua Gia Long đã cử hai sứ đoàn sang nhà Thanh, đem giao lại cho nhà Thanh những sách ấn mà họ ban cho triều Tây Sơn và xin đặt quốc hiệu, cầu phong. Mặc dù chưa thật ưng thuận, nhưng nhà Thanh sợ mất long triều Nguyễn đã chấp nhận đặt quốc hiệu “Việt Nam”. Trong thư trả lời, vua Thanh cho rằng: “lúc trước có đất Việt – Thường đã xưng là nước Việt, nay lại có toàn cả đất An Nam. Xét ra cho kỹ, thời nên gồm cả đất đai mở mang trước sau mà đặt danh hiệu tốt. Vậy thời định lấy chữ “Việt” để trên, nghĩa là tỏ nước ta giữ đất cũ mà nối nghiệp trước, lấy chữ “Nam” đặt dưới, nhĩa tỏ nước ta mở cõi Nam Giao mà chiệu quyền mạng mới, như thế thời danh xưng chính đại, nghĩa chữ tốt lành, so với hai đất Việt nước Thanh khác nhau xa lắm”[1]
Các vua triều Nguyễn xem việc tuyên phong của nhà Thanh là điều quan trọng. Nếu chưa có lễ tuyên phong của nhà Thanh đối với các vua kế vị triều Nguyễn thì coi chưa được nhận chính thống; còn được công nhận và phong vinh thì mới thật là chính thống, trong nước sẽ không có một lực lượng nào dám tranh giành cơ nghiệp đế vương của mình, và ở ngoài tất cả các nước đều phải kính trọng mình. Năm 1820, khi được nối ngôi Gia Long, Minh Mệnh rất quan tâm và chuẩn bị chu đáo cho việc tiếp đón sứ giả nhà Thanh sẽ đến Thăng Long làm lễ lên phong vương cho mình. Ngày 10 – 10 – 1821, Minh Mệnh lên đường ra Thăng Long với một đoàn tùy tùng 6932 người (trong đó: 1.782 hoàng than, văn võ bá quan từ nhất phẩm trở xuống và 5.150 lính)[2].
Triều Nguyễn có thông lệ là đều đặn cử sứ đoàn mang cống phẩm sang dâng nạp cho nhà Thanh. Ngoài ra cứ mỗi lần nhà Thanh có lễ mừng hay cáo tang, triều đình Nguyễn đều cử sứ bộ mang lễ vật sang dâng nộp. Chẳng hạn, năm Gia Long thứ 18, nhân dịp thọ 60 tuổi của Gia Khánh hoàng đế, triều Nguyễn cử sứ đoàn, do Cần chánh đi64n học sĩ Nguyễn Xuân Tình dẫn đầu sang chúc mừng; năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) nhân díp mừng thọ 50 tuổi Đạo Quang hoàng đế, sứ bộ Hoàng Vân Đản cũng được cử sang chúc mừng…Việc cử sứ đoàn sang Trung Quốc để làm lễ tạ ơn, dâng hương, nộp cống hay chúc mừng, giữa nhà Thanh và triều Nguyễn đều có sự thỏa thuận với nhau[3].
Theo “Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ”, do Nội các triều Nguyễn biên soạn, có thể thấy rằng, trong 5 quyển ghi chép vấn đề bang giao (từ quyển 128 đến quyển 132) thì 4 quyển (128 đến 131) thực chất là ghi chép về quan hệ giữa triều Nguyễn và nhà Mãn Thanh. Bốn cuốn này ghi chép tỉ mỉ những qui định chặt chẽ mà triều Nguyễn phải thực hiện trong quan hệ với nhà Thanh, từ thể thức việc sai sứ, lễ phẩm, đệ văn thư đến thể thức việc tiếp sứ nhà Thanh. Đại lễ truyền phong, Đại lễ dụ tế. Tất cả những điều này thể hiện nhà nước Việt Nam dưới các vua Nguyễn vẫn có nhu cầu duy trì quan hệ chu nhà với thượng quốc bằng phương cách gửi cống phẩm. Thực tế đó cũng chỉ ra rằng, sự mong muốn có quan hệ hòa hiếu để góp phần đảm bảo giá trị quốc gia Việt Nam. Đây cũng là cách đảm bảo giá trị phong vương mà hoàng đế thiên triều đã ban cho vua Việt Nam và những người kế vị; và cũng là dịp trao đổi tặng vật, mặc dù tặng vật ngày càng giảm. Triều đình Huế có cơ hội nhận được nhiều tặng vật quý giá kể cả thương phẩm lẫn sản phẩm “tinh thần”.
Trước âm mưu đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp vào những năm 70 của thế kỷ XIX. Tự Đức đã lấy quan hệ chủ tôn để cầu cứu nhà Thanh đánh Pháp. Việc làm này, một mặt, là sự phản kháng thực dân Pháp xâm lược; nhưng mặt khác, lại biểu hiện một tinh thần ỷ lại, dựa dẫm, không còn giữ vững quyền tự chủ, tự cường dân tộc của triều Nguyễn. Tuy nhiên, nhà Thanh lúc này không đủ sức giữ vững chủ quyền của đất nước họ rước ý đồ xâm Trung Quốc của các nước đế quốc phương Tây. Dù sao, việc mượn cớ cứu Việt Nam có thể giúp nhà Thanh thực hiện ý đồ riêng của mình. Điều này có thể thấy trong mật sổ của Tổng đốc Lưỡng Quảng. Trương Thụ Thanh, tâu với vua Thanh: “nước Nam và nước Tàu tiếp giáp với nhau mà thế lực nước Nam thật suy hèn, không thể có tự chủ được nữa: vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy những tỉnh phía bắc sông Hồng Hà[4]. Nhưng khi được nhân nhượng, nhà Thanh đã bắt tay với thực dân Pháp, bỏ rơi Việt Nam. Mỗi khi dạt được một thỏa thuận với triều Nguyễn, thực dân Pháp đều sử dụng nhà Mãn Thanh dể bảo trợ về pháp lý quốc tế cho những kết quả của chính sách xâm lược của chúng.
Trong quan hệ với Mãn Thanh (Trung Quốc) không phải cái gì triều Nguyễn cũng nhất mực phục tùng, phụ thuộc. Thông thường từ Gia Long đến Minh Mệnh, Thiệu Trị, sứ nhà Thanh chỉ đến Thăng Long (Hà Nội) làm lễ tuyên phong cho các vua triều Nguyễn. Nhưng năm Tự Đức thứ nhất, Thự hiệp biện đại học sĩ, Sơn – Hưng – Tuyên Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai đã làm tờ điệp đề nghị từ nay về sau sứ nước Thanh, mỗi khi có điển lễ lớn về bang giao nên đến thẳng kinh sư (Phú Xuân) để làm lễ. Sách “Đại Nam thực lục chính biên” viết về vấn đề này như sau: “Nguyễn Đăng Giai và Tôn Thất Bạc đề nghị sứ bộ Việt Nam thương lượng với triều đình Bắc Kinh đổi nơi làm lễ sắc phong chuyển từ Hà Nội về Huế. Họ đã nêu ba lý do sau:
A – Vì triều đình Nguyễn đã dời đô từ Hà Nội về Huế, nên kể từ đó Hà Nội chỉ là một tỉnh thời Trung Hoa đã đồng ý đổi tên An Nam thành Việt Nam.
B – Huế là kinh sư căn bản trọng địa. Nếu nhà vua đi ngàn dặm tuần du, không khỏi lo về sự việc xảy ra bất ngờ.
C – Như vậy có thể tiết kiệm những chi phí cho chuyến đi của vua[5]. Vua Tự Đức còn chỉ thị cho các quan ở các bộ phận thảo văn thư cho sứ bộ rằng: “đi sứ muôn dặm có quan hệ đến quốc thể, việc soạn thảo văn thư phải có tờ lệnh…soạn thảo tờ quốc thư và các điều khoản vấn đáp của sứ bộ, cần có lời thẳng, lý cứng, lễ đúng, nghĩa rõ lý họ tốt phải nghe theo, mà tình ta không khúc…Hãy kính tuân đấy nhé…[6]
Đối với những hành động của nhà Thanh xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, triều Nguyễn đã kiên quyết đối phó, để thu hối hay bảo vệ đất đai của TỔ quốc. Chẳng hạn, năm 1831, nhà Thanh cho 600 quân sang chiếm vùng Phong Thu, Bình Lư (tức Phong Thu thuộc tỉnh Hưng Hóa) của Việt Nam, vua Minh Mệnh đã sai Đặng Văn Thiêm đem 1000 qu6an và 10 thớt voi đến thị uy, buộc quân Thanh phải rút lui. Vua ra lệnh cho các thổ trì địa phương phải cai quản tốt hai động Phong Thu, Bình Lư[7]
2 – Triều Nguyễn cũng rất quan tâm đến mối quan hệ với các nước Đông Nam Á. Đặc biệt dưới thời trị vì của vua Minh Mệnh được xem là đỉnh cao của các quan hệ này. Nếu như quan hệ có tính chất thần thuộc, thì quan hệ giữa triều Nguyễn và các nước Đông Nam Á có tính chất đa dạng, phức tạp hơn, đó là quan hệ giữa các nước “bảo hộ” và nước “được bảo hộ” (chủ yếu giữa Việt Nam và hai vương quốc Ai Lao và Cao Miên); còn quan hệ với các nước Đông Nam Á khác đôi lúc đã diễn ra đụng độ quan sự căng thẳng, nhưng nhìn chung nét nổi bật là quan hệ “hòa hiếu thân thiện”.
Các sự kiện trong quan hệ giữa triều Nguyễn với Ai Lao và Cao Miên chủ yếu là việc các sứ thần hay đích thân các quốc vương của hai nước này đến Việt Nam yêu cầu được giúp đỡ, tạ ơn, dâng ơn…Còn triều Nguyễn đóng vai trò “người bảo hộ” đúng mực, có tinh thần trách nhiệm và không cố bám giữ địa vị “bảo hộ” của mình. Lợi dụng điều này, một bộ phận cầm quyền Cao Miên tìm cách đối địch với triều Nguyễn. Khi có cơ hội, bọn họ cấu kết với các thế lực có tham vọng bành trướng – xâm lược để chống lại triều Nguyễn, chống Việt Nam. Tiêu biểu cho xu hướng này là các sự kiện nhà cầm quyền Cao Miên cấu kết với thực dân Pháp để chống Việt Nam trong những năm 1861 - 1863[8].
Quan hệ giữa triều Nguyễn và vương quốc Xiêm La vừa tế nhị, vừa phức tạp, ít ổn định, chứa đựng những mâu thuẫn gay gắt và đụng độ chủ yếu là quan hệ giữa hai nước lớn trong khu vực đối với vấn đề Chân Lạp và Vạn Tượng. Triều Nguyễn với các sử trí mềm dẻo, song kiên quyết, đã giữ được độc lập, tự chủ của đất nước. Và cuối cùng, vẫn giữ được mối quan hệ giao hảo, thân thiện với Xiêm La. Quan hệ này được thể hiện ở việc thăm hỏi, tặng lễ vật chúc mừng, tỏ tình giao hiếu giữa triều Nguyễn với Xiêm La, nhằm giữ thế quân bình với nhau trong khu vực, hoặc để giữ yên quan hệ với nhau trong khi phải cùng đối phó với những địch thủ lợi hại từ phương Tây tới.
Theo sử triều Nguyễn thì ba lần Quốc vương Miến Điện (Myanmar) cử sứ thần đến Việt Nam dưới thời vua Gia Long, Minh Mệnh và Thiệu Trị. Về phía triều Nguyễn, một lần tổng trấn thành Gia Định là Lê Văn Duyệt cử thủ hạ của mình đến kinh đô Miến Điện và một lần triều Nguyễn cử xứ thần tiễn chân sứ bộ Miến Điện về kinhh Rănggun của họ. Các sự kiện này nói lên rằng, triều Nguyễn và Miến Điện vừa muốn liên kết để đối phó với ảnh hưởng của Xiêm La trong vùng, vừa không thể liên kết được vì triều Nguyễn muốn giữ quan hệ ổn định với Xiêm La. Mặc dù vậy, triều Nguyễn không nghiêng bên này bỏ bên kia. Dù chấp nhận lời thỉnh cầu của Miến Điện tuyệt giao với Xiêm La, nhưng triều Nguyễn vẫn giữ quan hệ thân thiện với Miến Điện bằng cách hậu thuẫn cho quốc vương  Miến Điện, chánh sứ, phó sứ và các bồi thần quân đi theo các đoàn sứ bộ.
 So với các vương quốc Xiêm La và Miến Điện, thì đối với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Malaysi, Inđônêxia, Singapore và Philippin, triều Nguyễn chỉ quan hệ về buôn bán, chủ yếu là quan hệ một phía – triều Nguyễn. Ngoài ra triều Nguyễn còn cử quan lại đi công cán ở các nước này.
3 – Các vua Nguyễn đều ý thức được tầm quan trọng của chính sách ngoại giao và việc bang giao ới các nước. Ngay trong những ngày đầu tiên lên ngôi, sau “Tức vị chiếu”, vua Tự Đức đã ban bố “Bang giao chiếu”. Bài chiếu này đã nói rõ quan niệm của vua Tự Đức về tầm quan trọng của chính sách ngoại giao đối với một quốc gia. Ông viết: “Trẫm theo đạo lớn của bậc thánh nhân, sửa sang hào mục để thiên hạ về chung một nhà, xây đời trị nước, tiếp khách lân bang theo lễ nghi quốc triều là rạng tỏ phép nước, giữ gìn hòa hiếu lâu bền, tỏ sự uy linh của bậc quan vương ở ngôi cao chức trọng…nước ta từ khi dựng nghiệp ở phương Nam, đóng đô ở Xuân kinh, đất đai rộng lớn hơn thời Trần, thời Lê…ấy là nhờ các bậc tiên đế ta làm tròn sứ mệnh của mình đối với quốc gia và giữ tình hòa hiếu với các nước lân bang để được giúp đỡ từ nhiều phía…Cho nên muốn dân chúng được yên ổn nước nhà hòa mục và phát triển, thì lại tiến hành việc bang giao”[9].
Nhìn chung, triều Nguyễn có một chính sách ngoại giao rõ ràng, mềm dẻo và có thể nói là phù hợp với tình hình thực tế. Chính sách đó lấy quan hệ với Mãn Thanh (Trung Quốc) là trung tâm, chú ý đến các nước có quan hệ “đồng văn”, “đồng chủng” với Việt Nam, giữ gìn mối quan hệ với các nước Đông Nam Á còn độc lập hay độc lập tương đối một cách ổn định, cố gắng phát huy vai trò trung tâm trong khối các nước trên bán đảo Đông Dương.
Từ đường lối, chính sách đến các quan hệ trên thực tế, triều Nguyễn theo kinh nghiệm của các triều đại phong kiến đã tỏ ra thầ phục nhà Thanh về chính trị, cụ thể hóa các chính sách trong quan hệ với nhà Thanh đến mức chi tiết, nhưng hoàn toàn không mù quáng, phục tùng và chịu lép vế với nhà Thanh về những vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Triều Nguyễn có quan hệ dưới nhiều dạng ở những mức độ khác nhau với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Các quan hệ này hầu hết diễn ra dưới thời hai vua đầu triều Nguyễn là Gia Long và Minh Mệnh. Đến vua Thiệu Trị và Tự Đức thì các quan hệ thưa dần. Nhìn chung, quan hệ giữa triều Nguyễn và các nước Đông Nam Á có lúc căng thẳng – đụng độ, có lúc thân thiện – hòa hiếu; vừa chứa đựng những mâu thuẫn giữa chính sách gây ảnh hưởng, bành trướng thế lực của triều Nguyễn với chính sách tương tự của vương quốc Xiêm La và Miến Điện đôói với Ai Lao và Cao Miên; vừa chứa đựng mâu thuẫn giữa triều Nguyễn với hai nước láng giềng Ai Lao và Cao Miên. Mặc khác, nó cũng chứa đựng mâu thuẫn chung giữa các dân tộc Đông Nam Á (kể cả Việt Nam) với các nước phương Tây đang dòm ngó và tiến hành xâm lược, gây ảnh hưởng đối với quốc gia trong khu vực. Tình hình đó thể hiện tính chất tế nhị và phức tạp trong quan hệ quốc tế và khu vực lúc bấy giờ. Lâu nay, người ta vẫn nhận xét chung rằng, chính sách ngoại giao của triều Nguyễn có đặc điểm là nặng tính chất bảo thủ, thiển cận. Nhận xét ấy có thể đúng về đại thể. Nhưng xét riêng quan hệ với các nước Đông Nam Á thì triều Nguyễn đã có cách nhìn rất thực tế. Có những khía cạnh chứng tỏ một số đại thần của triều Nguyễn đả có tầm nhìn xa vào tương lai giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.




ß Trường ĐHSP Huế
[1] Tủ sách tài liệu sử, Quốc triều chính biên, nhóm nghiên cứu sử địa Viêt Nam xuất bản, Sài Gòn 1972, tr. 50.
[2] Xem: Vũ Khắc Hòe: Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn, NXB Thuận Hóa, Huế 1986, tr. 60.
[3] Xem Huỳnh Kim Thành: Tổng quan về chủ trương, chính sách và quan hệ ngoại giao Việt Nam thời các vua triều Nguyễn, Khoa Sử ĐHSP Huế, 1995, tr. 3
[4] Nguyễn Phương: Tám mươi hai năm Việt sử (1802 – 1884), chương trình lớp đệ nhị, ĐHSP Huế xuất bản, 1963, tr. 60.
[5] Dẫn theo Y. Tshuboi: Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Hội sử Việt Nam, Hà Nội, 1993, tr. 180 – 181.
[6] Nội các triều Nguyễn: Khâm Định Đại nam hội điển sử lệ, tập 8. NXB Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 337.
[7] Xem Viện Sử học: Biên niên lịch sử cổ - trung đại Việt Nam (từ đầu thế kỷ XIX), NXBKHXH, Hà Nội, 1987, tr. 438.
[8] Xem Viện Sử học (Sđd). Tr. 409 – 459; Dương Kinh Quốc, Việt Nm những sự kiện 1858 – 1945, tập I, NXBKHXH, H. 1981, tr. 36 – 55. Dẫn theo Huỳnh Kim Thành: Tổng quan về chủ trương, chính sách và quan hệ ngoại giao Việt Nam thời các vua triều Nguyễn, Huế 195, tr. 7
[9] Trần Thị Thanh: “Bang giao chiếu” của Tự Đức, Thông báo khoa học số 03 chương trình nghiên cứu triều Nguyễn của trường ĐHSP Huế, 1994, tr. 71.

No comments:

Post a Comment