Wednesday, April 27, 2016

VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ CỦA NHÀ NGUYỄN


TS. Hồ Tuấn Dũngß

Cũng như các triều đại phong kiến trước, dưới thời nhà Nguyễn, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân quỹ quốc gia. Moi chi phí cho các hoạt động của nhà nước và các sinh hoạt lương bổng của hệ thống vua quan triều đình đều dựa vào nguồn thu này. Sau khi lên ngôi (1802), Gia Long tiếp tục thực hiện “Phép tô, dung” như các triều đại trước. Ba sắc thuế chính của nhà Nguyễn đặt ra là: thuế điền thổ (thuế ruộng đất), thuế đinh (thuế thân), thuế tạp dịch. Ngoài ra còn có một số sắc thuế khác đánh vào các hoạt động công thương như thuế hầm mỏ, thuế cảng, thuế nguồn đầm, thuế quan tân, thuế hiện vật đối với các hộ sản xuất thủ công, thuế thuốc phiện, thuế thuyền bè, thuế rượu…
Về thuế điền thổ, Nhà nước đánh thuế hầu hết các loại ruộng, đất (trừ đất công cộng, đất ban thưởng cho gia đình quan lại, đất đình chùa và thờ tự). Ruộng đất phân chia làm hai loại hình sở hữu: ruộng đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước và ruộng đất công (làng, xã), tư (cá nhân). Triều đình đánh thuế ruộng công nặng hơn thuế ruộng tư nên tầng lớp nông dân nghèo không có ruộng, nhất là những vùng đông dân cư ở đồng bằng  sông Hồng, sông Mã, chịu thuế nặng.
Đối với ruộng đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước, nhà Nguyễn chia thành 4 loại: đồn điền, quan điền – quan trại, ruộng đại nạp Nam Kỳ và ruộng ba tú Nam Kỳ. Ở mỗi triều vua ruộng đất lại được chia thành nhiều đẳng hạng và áp dụng các mức thuế khác nhau. Tô thuế ruộng đất thường nộp bằng hiện vật (đơn vị tính là học, thăng hoặc bát thóc). Ví dụ ruộng quan điền thời Gia Long, thuế thu 100 thăng / mẫu; thời Tự đức có nhiều mức từ 10 thăng đến 245 thăng / mẫu; ruộng đại nạp Nam Kỳ hạng hộc, hạng 24 hộc, hạng 33 hộc[1].
Ruộng đất công, tư lại được chia làm hai loại: ruộng (để cày cấy) và đất ( thổ để trồng màu và cây lưu niên)
Đất cũng được chia thành từng vùng và mức độ thuế đánh theo từng loại cây trồng. Hính thức nộp thuế của từng loại đất trồng cây khác nhau: đượcthu bằng hiện vật hay bằng tiền. Thời Gia Long, đất trồng mía thu 10 thăng/ mẫu, còn các loại đất khác nộp bằng tiền, như đất trồng dừa có 3 mức thuế: 19 quan / 5 thửa, 2 quan / thửa và 2,5 quan /thửa[2].
Một bộ phận thu nhập quan trọng của nhà nước, đồng thời là một thứ nghĩa vụ là thuế thân (thuế đinh) chỉ đánh vào nội đinh (là những người dân chính thức của làng), được hưởng những quyền lợi công dân, như được chia ruộng đất công, được tham gia các chức vụ chính quyền ở xã hay phạm vi ngoài xã và nhiều quyền lợi khác. Ngoại đinh (dân lậu hay ngụ cư) được miễn thuế thân, nhưng không được hưởng một quyền lợi nào.
Cũng như thuế ruộng đất, thuế thân cũng được chia theo vùng (khu vực địa lý). Thời  Gia
Long, cả nước chia làm 3 vùng; thời Tự Đức chia 5 vùng, ở mỗi vùng, áp dụng các mức thuế khác nhau. Nhà nước dựa vào số dinh của làng xã để đánh thuế. Trong số đinh, nội đinh được sắp xếp theo hạng khá tỉ mỉ (tráng hạng, quân hạng, dân hạng, lão tật hạng) với các mức thuế khác nhau. Những hạng được miễn thuế là: người có chức sắc, con quan thời Nguyễn, nhiêu ấm, nhiêu thân, quan chức, người đỗ đạt, binh sĩ, thợ thuyền. Trong thời gian chống Pháp, triều đình có chính sách miễn, trừ thuế thân, tạp dịch đối với thương binh, tùy theo mức độ thương tật. Số đinh mỗi năm tiểu tu một lần và 5 năm đại tu một lần để điều chỉnh cho đúng với thực tế dân cư trong xã. Thuế thân thu bằng tiền.
Để hạn chế số dân theo đạo Gia tô, triều đình tăng thuế thân,quy định xã thôn nào dân chưa bỏ hết đạo bị tăng thuế thân gấp rưỡi, xã thôn nào che dấu, chứa chấp Đạo trưởng, tăng thuế gấp đôi. Ngoại đinh theo đạo bị buộc nộp thuế bằng nội đinh. Từ 8-1865, Nhà nước bắt đầu đánh thuế thân đối với người Minh hương hoặc người Thanh (tức người Trung Quốc sang trú ngụ ở Việt Nam).
Về thuế tạp dịch (lao dịch) nhà nước không định số ngày huy động trong năm mà tùy theo yêu cầu của công việc. Dân miền núi và xa trung tâm thường được miễn. Pháp luật nhà Nguyễn cấm ngặt quan lại không được huy động nhân công cho việc riêng, hoặc khi đang vụ mùa màng, nếu không được phép của triều đình. Những việc lớn huy động nhân công theo lệnh của triều đình, chính quyền hàng tỉnh chỉ được huy động nhân công cho việc nhỏ hoặc việc tu bổ. Số lượng nhân công huy động dựa trên số nội đinh của mỗi xã. Khi đi lao dịch, lý trưởng hoặc chức dịch xã phải dẫn đi. Mỗi nhân công được cấp một phương gạo/ 1 tháng (tương đượng 38 lít). Những người có việc bận có thể mướn người đi thay. Thuế tạp dịch lúc đầu là bắt buộc phải đi, về sau đổi lệ có thể nộp bằng tiền: mỗi năm 2 kỳ, mỗi kỳ 6 tiền. Đối với các dân tộc ít người ở vùng thượng du có thể nộp bằng hiện vật, như mật ong, sáp ong, trầm hương, ngà voi, sừng tê giác, hoặc bằng bạc nén.
Ngoài ra người dân còn phải nộp các khoảng tạp dịch khác như tiền mâm (phụ thu theo đầu người), tiền điệu, tiền cước mễ (thóc thu theo đầu người), tiền đầu lạt, tiền thập vật (tiền chi vật), tiền khoán khố (giấy tờ gửi kho), tiền sai dư (sai phái), tiền trước bạ, tiền dầu đèn, vv…
Nhà nước không trực tiếp thu thuế của dân mà phân phối cho từng làng xã, rồi làng xã tự phân bổ cho dân chúng. Hình thức này rất đáng chú ý vì “xã thôn tự nhiệm trước quyền hành của nhà vua và của những đại diện của nhà vua như là một tiểu cộng hòa khư khư giữ những quyền lợi để dánh đổi an ninh mà Hoàng đế đem lại…”[3]
Thuế đánh vào các hoạt động công thương có nhiều loại, chủ yếu là:
- Thuế hầm mỏ, nhà Nguyễn rất khuyến khích việc khai thác mỏ. Chủ mỏ chỉ cần xin phép và nộp thuế bằng sản phẩm đó theo giá được định trước. Ví dụ: tháng 10-1858, nhà Nguyễn cho phép Chu Triệu Kỳ (người Trung Quốc) khai thác mỏ vàng An Bảo ở Thái Nguyên với mức thuế 6 lạng vàng/ năm, tháng 5 – 1867 triều đình bãi bỏ lệnh cấm xuất cảng thiếc, cho chuyển thành lệ thu thuế xuất cảng thiếc với mức cứ 1000 cân nộp thuế 13 lạng bạc (tương đương 104 quan tiền/ 1000 cân). Do được triều đình khuyến khích nên các mỏ vàng, bạc, chí, đồng, kẽm, thiếc, vv… đã được khái thác khắp cả nước[4]. Riêng Nhà nước quản lý 139 hầm mỏ các loại, trong đó có 29 mỏ vàng, 15 mỏ bạc, 9 mỏ đồng.
Triều đình Tự Đức (1883) thống kê được 147 mỏ, trong đó có 38 mỏ vàng, 18 mỏ bạc, 37 mỏ sắt, 10 mỏ kẽm, 3 mỏ chí, 1 mỏ thiếc, 22 mỏ diêm tiêu, 2 mỏ lưu huỳnh, 2 mỏ châu sa.
- Thuế các hộ sản xuất thủ công, chế biến, thu lượm, từ tháng 11 – 1864, Nhà nước thu thuế hiện vật đối với các hộ xã dân làm nghề khác, ngoài nghề nông. Những xã có sản vật đặc biệt như trầm hương, quế, sâm, tôm, mực hoặc có nghề nghiệp truyền thống như: làm giấy, dệt lụa, dệt sa, chiếu, sơn, nấu dầu thảo mộc, đục đẽo đá, luyện sắt, đồng đỏ, đồng lá, vàng thếp, vải trắng v.v… thì nộp thuế biệt nạp, tức thu lượm, làm ra những sản phẩm gì thì nộp thuế bằng sản phẩm ấy. Ví dụ: làng La Khê phải nộp 5000 tấm sa/ năm; hai làng Yên Thế và Hồ Khẩu phải nộp 5000 tờ giấy/ người/ năm, làng trồng đay mỗi người nộp 3 kg vỏ đay v.v… Người nộp thuế gọi là biệt tính, được miễn binh dịch, tạp dịch và được nộp thuế thân bằng sản phẩm đặc biệt.
- Thuế thuốc phiện, trong các triều đại trước, việc hút thuốc phiện bị cấm ngặt, nhưng từ thàng 2 – 2865, Tự Đức bãi bỏ lệnh cấm hút thuộc phiện và bắt đầu đánh thuế thuốc phiện, bằng hình thức cho lĩnh trưng nộp thuế trên phạm vi cả nước, và thuế nộp của quan của thương nhân Trung Quốc (40 cân thuốc phiện nộp 1 cân)[5]
- Thuế cảng, từ tháng giêng 1866, định lệ thu các tàu thuyền nước ngoài cập bến các cửa bể để buôn bán, trước tiên ở Bắc Kỳ. Lúc đầu Nhà nước căn cứ vào kích thước và nơi sản xuất của tàu để đánh thuế[6] từ tháng 11 – 1866 Sở thuế quan, ở sông Cấm (Hải dương), đã có quy định về thu thuế cảng.
- Thuế quan tân, dánh vào hoạt động giao dịch thông thương qua các cửa ải, bến đò, khúc sông, chợ búa…, được căn cứ vào giá trị hàng hóa, thu bằng tiền, hoặc nửa bằng tiền, nửa bằng hiện vật.
- Thuế rượu, từ tháng 8 – 1866 bắt đầu thu ở 3 tình Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên và cho phép thương nhân Trung Quốc đứngra lĩnh chừng nộp thuế với mức 2500 quan/ 1 năm và quy định mức thuế ty là 1/ 40 như thuế thuốc phiện (cứ bán cho Nhà nước 40 lít phải nộp thuế 1 lít)[7]. Tháng 3 -1873, bắt đầu đánh thuế lò rượu ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, cứ lò lớn 40 quan tiền, lò nhỏ 30 quan.
- Thuế muối, từ tháng 12 – 1867 triều đình bắt đâu đánh thuế muối xuất cảng ở hai cửa khẩu Bình Định và Bình Thuận (Trung Kỳ) và đặt ty đánh thuế muối ở hai nơi đó. Loại thuế này sau đó áp dụng cho cả Bắc Kỳ.
- Thuế môn bài: tháng 11 – 1870 triều đình dự định đánh thuế môn bài đối với các thương gia Trung Quốc nhưng về sau triều đình lại không thi hành.
- Thuế nguồn đầm, áp dụng đối với những người sử dụng ao, hố, đấm, chắm (mặt nước) để đánh cá hay nuôi trồng thủy sản. Thuế này thu bằng tiền.
Như vậy, thời Nguyễn, do nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu nên thuế ruộng đất là chính, thuế gián thu chưa phải là nguồn lợi lớn cho nhà nước.
Phương thức thu thuế này còn mang tính cống nạp do địa phương thực hiện, vì vậy nhà nước thất thu nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm cho nền kinh tế - xã hội ta trì trệ, nguồn thu tài chính quốc gia bị kiệt quệ,làm cho nhà nước phong kiến Nguyễn không đủ tiềm lực kinh tế để chống đỡ trước họa xâm lăng của thực dân Pháp.




ß Trường CĐSP Yên Bái
[1] Trương Hữu Quýnh – Đỗ Bang: Tình hình ruộng đất nông nghiệp và đời sống nông dân dưới triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa, 1997
[2] Trương Hữu Quýnh – Đỗ Bang: Tình hình ruộng đất nông nghiệp và đời sống nông dân dưới triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa, 1997
[3] P.Pasquier (1907): L’Annam d’autrefois Challamel, Paris.
[4] Viện nghiên cứu tài chính: Lịch sử tài chính, tập 1, NXB Tài chính, 1995.
[5] Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858 – 1945), tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991
[6] Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858 – 1945), tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991
[7] Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858 – 1945), tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991

No comments:

Post a Comment