Friday, April 8, 2016

ĐẶNG THÁI MAI (1902 – 1984)

Nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, quê làng Lương Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (Thanh Xuân, Thanh Chương, Nghệ Tĩnh). Ông sinh trong một gia đình nho học, có truyền thống yêu nước. Ông thân sinh là Đặng Nguyên Cẩn, nhà thơ và nhà chí sĩ cách mạng nổi tiếng đầu thế kỷ 20. Lúc nhỏ Đặng Thái Mai học chữ Nho và sớm tiếp xúc với tân thư của các học giả tiến bộ Trung Quốc, sâu đó ông vào học ở trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương. Trong thời gian học ở đây ông đã tham gia các phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên như đòi thả Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh*. Năm 1928, Đặng Thái Mai tham gia Tân Việt Cách Mạng Đảng, bị bắt và bị án ba năm tù treo. Năm 1930, hoạt động trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông lại bị bắt và bị kết án ba năm tù giam. Sau khi được thả tự do, ông ra Hà Nội dạy học. Trong thời kỳ Mặt trận Dân Chủ Đông Dương, Đặng Thái Mai tham gia các hoạt động bán công khai dưới sự lãnh đạo của xứ ủy Bắc Kỳ, trong ban biên tập các báo của Đảng bằng tiếng Việt như “Tin Tức”, bằng tiếng Pháp như “Le travail (Lao Động), “Rassemblement” (Tập Hợp), “Notre voix” (Tiếng Nói Chúng Ta). Năm 1938 ông được phân công vận động thành lập Hội truyền bá chữ quốc ngữ và là thành viên Ban quản trị của Hội. Năm 1939, Đặng Thái Mai trúng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Năm 1944 ông viết cuốn sách Văn học khái luận, giới thiệu một cách hệ thống lý luận văn học theo quan điểm Mácxít. Ông còn viết Lỗ Tấn, thân thế, văn nghệ (1944), Tạp văn trong văn học Trung Quốc hiện đại (1945) và dịch hai tập kịch của Tào Ngu: Lôi vũ, Nhật xuất. Sau Cách Mạng Tháng Tám, Đặng Thái Mai giữ nhiều chức vụ như Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1945 – 1946), Chủ tịch Ủy ban Khánh chiến Hành chính tỉnh Thanh Hóa (1947 – 1948), Hội trưởng Hội Văn Hóa Việt Nam (1948 – 1949)... Sau Hiệp nghị Genève 1954, ông giữ nhiều chức vụ như Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học (1961 – 1976) và là Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam từ 1957 cho đến ngày ông mất. Những tác phẩm chính của ông từ sau Cách Mạng Tháng Tám có: Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hóa Phục hưng (1949); Lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại (tập 1, 1958); Văn thơ Phan Bội Châu (1959); Văn thơ Cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20 (1960)… Đặng Thái Mai được chính phủ tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1982 vì những cống hiến của ông.

V.H.L.

Theo "Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam", Tôn Nữ Quỳnh Trân (CB), NXB Văn hóa thông tin, NXB 1993

No comments:

Post a Comment