Vào nửa thế kỷ
XIX, khi mà các nước phương Tây hoàn thành các cuộc cách mạng công nghiệp, đưa
chủ nghĩa tư bản lên một giai đoạn cao hơn, thì ở châu Á, một số nước đã tiến
hành cách mạng tư sản hay tiến hành cải cách đất nước hoặc chí ít thì cũng đưa
ra những dự án canh tân đất nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam…hy vọng đưa
đất nước thoát khỏi tình trạng của một xã hội phong kiến lạc hậu.
Thế nhưng
không phải dự án cải cách nào ở các nước châu Á cũng được thực thi thành công.
Ở Nhật Bản, thứ nữa là Xiêm, các cuộc cải cách được tiến hành và kết quả là
những nước này đã tiến vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, từng bước xóa bỏ những
hiệp ước bất bình đẳng mà trước đó phải ký với phương Tây, thoát khỏi thân phận
thuộc địa. Còn ở Trung Quốc và Việt Nam , những dự án cải cách đó không
được thực thi hoặc thực thi không thành công. Truy tìm căn nguyên cải cách thất
bại ở Trung Quốc, người ta thấy rằng, ngoài nguyên nhân chủ yếu là chế độ phong
kiến bảo thủ thâm căn cố đế, bọn quan lại vì quyền lợi cá nhân chống lại cải
cách, thì phải kể đến nguyên nhân về khía cạnh thời đại. Những dự án cải cách
được đề ra khá sớm của Lâm Tắc Từ, của phái Dương Vụ mang tính nửa vời, không
thành công; những dự án cải cách của Lương Khải Siêu được tiến hành vào những
năm 1898 cũng thất bại, vì đến lúc này, chủ nghĩa đế quốc phương Tây không bao
giờ để Trung Quốc trở thành nước tư bản, bởi như thế chúng sẽ mất đi một thị
trường bóc lột rộng lớn… Còn những dự án cải cách của các nhà nho yêu nước Việt
Nam cũng đưa ra khá sớm, gần như đồng thời với những dự án canh tân của Nhật
Bản và Xiêm, thế nhưng những dự án này lại không được thực hiện.
Muốn cải cách
được tiến hành và tiến hành thắng lợi thì phải có những cơ sở, những điều kiện,
những tiền đề khách quan và chủ quan. Ở Nhật Bản và Xiêm đã có những cơ sở,
tiền đề đó không? Và ở Việt Nam
trong cùng khoảng thời gian ấy thì sao? Tại sao Nhật Bản và Xiêm lại duy tân,
cải cách thành công? Tại sao Việt Nam lại không thể tiến hành thành
công công cuộc duy tân như Nhật Bản hay chí ít không thực hiện một số cải cách
như Xiêm?
Rõ ràng, một
loạt vấn đề đặt ra như trên cần phải giải đáp.
Trước vận
mệnh của dân tộc vào giữa thế kỷ XIX, một loạt các nhà nho yêu nước có tư tưởng
canh tân táo bạo (như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ, Phạm Phú
Thứ, Bùi Viện…) dược đề xuất, được xem như là những biện pháp cứu cánh để đưa
đất nước thoát khỏi nguy cơ trổ thành thuộc địa. Bàn đến tư tưởng canh tân của
Nguyễn Trường Tộ, Lưu Văn Lợi đã viết: “vấn đề lớn nhất của đất nước lúc đó,
vận mệnh của Tổ quốc trước ý đồ xâm lược của thực dân Pháp là điều ông đề cập
đầu tiên trong chiến lược canh tân”[1].
Trong tất cả những
đề xuất của nhà nho yêu nước Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XIX, đáng
chú ý hơn cả là dự án canh tân của Nguyễn Trường Tộ. Dự án của ông khiến cho
không ít những người đương thời và hậu thế tán đồng và khâm phục: vì theo họ,
đó là một kế hoạch đổi mới toàn diện đất nước, nếu được thực thi, có thể xoay
chuyển được tình hình đất nước lúc bấy giờ. Năm mươi tám bản điều trần trong
tám năm (1863 – 1871) mà Nguyễn Trường Tộ gửi cho triều đình Huế là cả một bản
kế hoạch đồ sộ, hy vọng để xoay vần đất nước mà người đời sau học lên vô cùng
thán phục. Nội dung những bản điều trần của ông, nổi lên bốn vấn đề chính: cải
cách kinh tế, văn hóa và giáo dục, quân sự, chính trị và ngoại giao. Đó là những
đề nghị mà Nguyễn Trường Tộ dồn cả tâm huyết và trí lục sáng tạo nên, và điều
đáng khâm phục là nó không thua kém gí các nội dung cải cách của các nước láng
giềng lúc bấy giờ.
Vấn đề đặt
ra: vì sao kế hoạch cải cách đồ sộ của ông lại không được thực thi? Có phải ông
thiếu kiên trì và nhiệt thành đệ trình bản kế hoạch lên nhà vua hay không? Hay
vì Tự Đức nhất mức khước từ đề nghị này? Lâu nay không ít ý kiến giải đáp cho
rắng tất cả là do nhà Nguyễn mà đại biểu là Tự Đức.
Công bằng mà
nói, không phải Tự Đức quay lưng hoàn tòn với cải cách. Ông đã đọc các điều
trần và thái độ không phải lúc nào cũng thờ ơ vối những điều tâm huyết trong
cải cách. Trong thực tế nhà vua cũng đã thi hành một số cải cách trong các lĩnh
vực kinh tế (như mở các mỏ than, sắt; định ngạch thuế trong thương mại. lập Ty
bình chuẩn trông coi việc buôn bán; mua sắm vũ khí, dịch tài liệu quân sự nước
ngoài để huấn luyện quân đội; phê chuẩn việc học tiếng nước ngoài, đưa người ra
nước ngoài học tập; giao lưu với một số nước…). Khi đám quần thần bàn lùi trong
thực thi cải cách thì ông dụ rằng “Xét việc thì nên cẩn thận và suy nghĩ cho
chin, nhưng cũng nên làm thế nào cho tiến bộ, chứ không tiến là thoái vậy!”[2].
Tuy nhiên, ông cũng là một ông vua thiếu quyết đoán, chủ yếu dựa vào các ý kiến
của triều thần, mà triều thần tuy có người thanh liêm và có thực quyền như
Trương Đăng Quế, song lại bảo thủ…Vì thế, những đề án cải cách thường bị cho
vào ngăn tủ rồi bị lãng quên hoặc nó được thực thi ở những điểm nào đó, nhưng
cũng là nửa vời, vớt vát, không mang lại kết quả.
Song cũng
không nên đổ lỗi tất cả cho cá nhân Tự Đức mà phải tìm căn nguyên trong tổng
thể xã hội[3].
Cái tổng thể xã hội ở đây chính là cấu trúc chính trị - xã hội cơ sở kinh tế và
một lực lượng đủ sức để canh tân đất nước.
Vào những năm
cuối thế kỷ XIX, ở Việt Nam
chưa có đầy đủ những điều kiện đó. Thời điểm mà Nguyễn Trường Tộ đề nghị cải
cách, Việt Nam
chưa có một cấu trức chính trị - xã hội tiên tiến như Nhật Bản, kể cả Xiêm.
Trong lúc ở Âu – Mỹ, khoa học – kỹ thuật phát triển nhanh chóng, nền kinh tế
thay da đổi thịt với những thành tựu kinh ngạc, thể chế chính trị chuyển sang
một cấu trúc mới – tư bản chủ nghĩa… thì ở Việt Nam triều thần quanh vua Tự Đức
chỉ lo tầm chương trích cú, rửa bút mài nghiên theo lối cổ hủ, bàn đến quốc sự
thì triều Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương, Chu xa xưa của Trung Quốc làm gương, tự
ngực là văn minh, chê bai thiên hạ…[4].
khi đất bị đe dọa thì phía ngoài, vua hỏi kế sách thì tất cả im lặng; khi nước
ngoài cải cách tác động vào nhiều nhà canh tân Việt Nam đưa ra những điều trần đổi mới
thì triều thần cho là nói càng, nói nhảm…[5]
Nội tình Việt
Nam
dưới thời Nguyễn khiến Nguyễn Trường tộ phải thốt lên: “Hiện nay tình hình
trong nước rối loạn. Trời sanh tai biến để cảnh cáo, đất thì hạn hán tai ương,
tiền của sức lực của dân đã kiệt quệ. Việc cung cấp cho quân binh đã mệt mỏi,
trong triều đình quần thần chỉ lảm trò hề cho hiền tài, chia đảng lập phái
khuynh loát nhau… các tỉnh thì quan lại tham nhũng, xưng hung xưng bá, tác phúc
tác oai, áp bức kẻ cô thế , bòn rút mỡ dân, đục khoét tủy nước, việc đó đã xảy
ra từ lâu rồi”[6]
Một bộ máy
nhà nước dựa vào đám quần thần bảo thủ, lạc hậu, một ông vua thiếu quyết đoán,
không dám vượt lên những lời bàn của đám hủ nho thì những đề nghị cải cách của
những nhà canh tân, trong đó có Nguyễn Trường Tộ, trở nên lạc long và bị rơi
vào im lặng là điều tất yếu.
Không thể
trách một mình vua Tự Đức, Ngôi nhà mà các nhà canh tân thiết kế trông đồ sộ
nhưng lại thiếu một nền móng vững chắc, thiếu một người chỉ huy thi công – đó
là một chính quyền đủ mạnh, có thể đảm đương việc triển khai canh tân.
Đem so với
cuộc duy tân của Nhật Bản (1868) càng thấy rõ sự thiếu hụt này của Việt Nam
thời bấy giờ. Để tiến hành canh tân, Nhật Bản đã trải qua một cuộc biến động
mạnh mẽ về cấu trúc xã hội và chính trị. Cuộc đấu tranh kéo dài giữa lực lượng
bảo thủ Tokugawa và lực lượng Daimyo tư bản hóa ủng hộ Thiên Hoàng muốn phát
triển đất nước như phương Tây đã kết thúc bằng cuộc đảo Mạc vào tháng 1 – 1868.
Sự kiện năm 1868 đã đưa đến một cấu trúc chính quyền mới ở Nhật Bản: lực lượng
cải cách nắm chính quyền, đứng đầu là Hoàng đế trẻ tuổi Mutxohitô với lực lượng
Daimyo và hàng triệu Samurai ủng hộ. Nước Nhật bước vào quỹ đạo của chủ nghĩa
tư bản. Cuộc Duy tân ở Nhật Bản có người dẫn đường chỉ lối và bảo đảm. Cuộc
canh tân diễn ra suôn sẽ.
Cải cách có
được tiến hành và tiến hành thành công hay không còn phải tính đến một nhân tố
khác – đó là phải có một cơ sở kinh tế nhất định và một lực lượng đủ sức đảm
nhận công việc canh tân.
Trong suốt
thời kỳ thống trị của mình các vua triều Nguyễn đều thực hiện chính sách “trọng
nông ức thương” kìm hãm sự phát triển nền kinh tế hàng hóa. Mặc dù Gia Long
hiểu được tầm quan trọng của Sài Gòn – Gia Định và vị trí của đô thị này nằm
trong khu vực đối với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa, nhưng ông rút về
Phú Xuân với mục đích phòng thủ. Các vua nối tiếp: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức
đều thực thi chính sách “đóng cửa”. Thời Minh Mệnh, thậm chí có năm nhà vua đã
cấm dân hợp chợ; buôn bán giữa các vùng bị cản trở nên hoạt động thương mại
giảm sút. Kinh tế hàng hóa bị ngăn cản, do đó thành thị không phát triển, cư
dân đa số sống ở nông thôn với nền kinh tế tự cung tự cấp; thị dân rất ít ỏi,
yếu ớt. Đội ngũ thương nhân cơ bản là nông dân kiêm nghiệp, hoạt động theo thời
vụ, “lấy công làm lãi” trong hệ thống chợ làng. Chợ làng và hoạt động buôn bán
ở làng quê đã cắt bớt một phần nhựa sống ở thành thị, làm cho thành thị không
thể phát triển được.[7]
Nhìn sang
Nhật Bản, vào thời Tokugawa, người Nhật thi hành chính sách “đóng cửa”, nhưng
họ đóng cửa để phát triển nội lực, tạo một tiền đề bên trong nhất định để khi
mở cửa dễ dàng hội nhập nhanh chóng với thế giới hiện đại. Chính quyền Mạc Phủ
hiểu rõ tầm quan trọng của nền kinh tế công – thương nghiệp và luôn coi sự phát
triển kinh tế là nền tảng căn bản để xây dựng đất nước. Chính quyền đã kêu gọi
thương nhân vào sống và làm việc trong các thành thị, khuyến khích phát triển
ngoại thương, cố gắng loại bỏ những ngăn cách về địa giới hành chính.
Từ đầu thế lỷ
XVIII, kinh tế thương mại và thủ công ngày càng đóng vai trò quan trọng trong
đời sống kinh tế quốc dân. Thành thị xuất hiện ngày càng nhiều và thực sự trở
thành những trung tâm sản xuất, thương mại, tài chính của cả nước. Do đó,
thương nhân,thị dân xuất hiện ngày một nhiều và chính họ đã nắm những nguồn
kinh tế trọng yếu, kinh tế nông nghiệp càng tỏ ra mất ưu thế so với nhịp độ
phát triển của kinh tế công – thương nghiệp, nông dân và những người sống ở
những vùng làng quê nghèo khổ vẫn bỏ quê kéo vào thành phố và làm đủ nghề để
sống, dần dần họ nhanh chóng dược thị dân hóa. “Thành thị đã trở thành một nhân
tố quan trọng trong đời sống Nhật Bản, trong vấn đề chính quyền và kinh tế,
trong sự hình thành nền văn hóa đại chúng và các trào lưu trí thức”[8].
Tầng lớp thị dân đông đảo, là lực lượng làm cơ sở cho chế độ mới và cũng là lực
lượng hùng mạnh ủng hộ cải cách của Thiên hoàng Minh Trị.
Ở Việt Nam,
dưới triều Nguyễn, chính sách “đóng cửa” lại triệt tiêu khả năng nội lực; chính
sách “trọng nông ức thương” đã ngăn cản kinh tế công thương, và do đó, hạn chế
sự phát triển thành thị và thị dân -
những nhân tố mới – cơ sở của cải cách. Sau này, Tự Đức nhận ra và tiến
hành một số biện pháp chấn hưng đất nước thì “lúc đó đã quá chậm, thế nhưng
quần thần vẫn chần chừ, ngại cải cách, nếu có làm, làm dè dặt, nửa chứng…Triều
đình chia làm hai phe: cách tân và bảo thủ, người chủ trương cách tân dù kiên
quyết nhưng trong điều kiện quá chênh lệch về lực lượng, nên cuối cùng bi thất
bại”[9]
Một vấn đề
chu1ngto6i thấy cần phải nêu ở đây, song sẽ không được giải quyết trong phạm vi
bài viết này. Đó là xem xét con người và biện pháp canh tân của Nguyễn Trường
Tộ đáp ứng được yêu cầu của đất nước như thế nào? Vấn đề đã và đang được giới
khoa học, những nhà hoạt động chính trị, xã hội trong và ngoài nước tranh luận
và có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, đối lập nhau. Một vấn đề lớn như vậy
gợi cho chúng ta tiếp tục nghiên cứu để giải quyết.
Tóm lại, ở
Việt Nam trong nửa sau thế kỷ XIX, nhu cầu về một cải cách toàn diện đã được
đặc ra khá cấp bách, thế nhưng những tiền đề, điều kiện để thực hiện cuộc cải
cách ấy lại chưa xuất hiện, hoặc chưa đầy đủ. Trong bối cảnh ấy, một mình ông
vua, nếu có tâm huyết và chí khí, cố vùng vẫy trong đám quần thần bảo thủ, một
xã hội không có nhân tố mới, thì sự vùng vẫy ấy của ông vua sẽ bị chím dần
trong sự lạc hậu, cố chấp, bảo thủ của một chế độ phong kiến đang suy tàn.
ß
Khoa sử - ĐHSP Hà Nội
[1] Lưu Văn
Lợi: Tư tưởng canh tân Nguyễn Trường Tộ Quan hệ quốc tế, 10 - 1990
[3] Nguyễn
Văn Hồng: Mấy vấn đề về lịch sử châu Á và lịch sử Việt Nam – một cách nhìn, NXB
Văn hóa dân tộc, Hà Nội 2001, tr. 351
[4] Quỳnh Cư
– Đỗ Đức Hùng, Sđd, tr. 361
[5] Quỳnh Cư
– Đỗ Đức Hùng, Sđd, tr. 362
[6] Trương
Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ - Con người và dị thảo, NXB TPHCM, 1998, tr. 110
[7] Nguyễn
Quang Ngọc: Đôi nét về công ty Đông Ấn Hà Lan và thương nghiệp phố Hiến (phố
Hiến kỷ yếu – Hội thảo khoa học), Sở VHTT – TT Hải Hưng 1994, tr. 247.
[8] John W.
Hall: Studies in the Institutional History of Early Modern Japan , Princeton University ,
1970, tr. 183
[9] Quỳnh Cư
– Đỗ Đức Hùng, Sđd, tr. 363.
No comments:
Post a Comment