Sunday, April 24, 2016

ĐOÀN MINH HUYÊN (Phật Thầy Tây An, 1807 – 1856)


Người làng Tòng Sơn, thuộc Cái Tàu Thương, tỉnh An Giang. Có hai giả thuyết về thời điểm đi tu của ông. Có người cho rằng ông sinh sống bình thường như tất cả mọi nông dân khác cho đến năm bốn mươi hai tuổi thì bắt đầu có những hành động khác thưởng, ngôn ngữ nhiều lúc hư hư thực thực rồi sau đó thì đi tu. Nhưng có thuyết cho rằng ông đi tu từ nhỏ tuy nhiên không biết tu ở đâu.
Năm 1849, một trận dịch tả hoành hành giết rất nhiều người, gây nên một nỗi kinh hoàng trong dân chúng. Đoàn Minh Huyên liên đi khắp nơi cứu chữa cho dân. Ở đâu phát ra bệnh dịch là lập tức ông có mặt. Thuốc của ông là nước lã và giấy vàng. Nhiều người may mắn lành bệnh nên tiếng tăm của ông nổi lên, kéo theo ngày càng nhiều người đến xin chữa bệnh.
Tại Kiến Thanh, lúc đầu ông ở tạm tại đình làng, sau dời đến ở tại một cái cốc bỏ hoang. Cốc này sau này được xây dựng thành một ngôi chùa gọi là Tây An Cổ Tự.
Song song với việc chữa bệnh, Đoàn Minh Huyên truyền bá lý thuyết tôn giáo của mình mà ông gọi là Bửu Sơn Kỳ Hương hoặc gọi nôm na là Đạo Lành. Lý thuyết của đạo này dựa trên đạo Phật, nhưng có nhiều sửa đổi. Theo Đoàn Minh Huyên, ty sĩ không cần xuất gia, cứ ở nhà cày cuốc làm ăn bình thường, không cần cạo râu tóc và có thể lấy vợ sinh con đẻ cái để nối nghiệp. Nguyên tắc tu hành là tránh điều ác, làm điều lành. Nghi thức thờ cúng cũng đơn giản, tượng Phật được thay thế bằng một tấm vải đỏ trương nơi bàn thờ Tam Bảo. Đoàn Minh Huyên đi du thuyết khắp Nam Bộ về “ngày tận thế”. Người theo Đạo Lành thấy mình đang ở vùng đất phước tuy trước mắt vẫn còn cực khổ nhưng khi tận thế thì lại được đến một địa điểm đã được ấn định trước, đó là vùng Bảy Núi (Thất Sơn). Điểm báo hiệu của ngày tận thế là hạn hán, lũ lụt, bệnh dịch mà nông dân đang chịu đựng. Những hoạt động của Đoàn Minh Huyên làm cho nhà cầm quyền nghi ngờ vì lúc bấy giờ ở miền Nam có nhiều đạo sĩ tham gia vào các cuộc nổi dậy chống Triều đình. Đoàn Minh Huyên bị bắt giam. Việc ấy gây xôn xao lớn trong môn đệ của ông và dân chúng địa phương nên ông được thả ra nhưng bị chỉ định cư trú, vào tu trong chùa Tây An ở núi Sam. Ở đây Đoàn Minh Huyên có rất đông tín đồ và được tôn xưng là Phật Thầy Tây An.
Đoàn Minh Huyên cho tín đồ đi khai phá đất hoang, lập nên nhiều trại ruộng:
- Đoàn thứ nhất do Bùi Văn Thân và Bùi Văn Tây chỉ huy lập trại ruộng ở Thới Sơn tại chân núi Két (Thất Sơn).
- Đoàn thứ hai do Trần Văn Thành* (tức là Cố Quản) lập ở Láng Linh (Châu Đốc).
- Đoàn thứ ba do Đặng Văn Ngoạn đến khai phá đất ở Cần Lố (vùng Đồng Tháp Mười).
- Đoàn thứ tư do Nguyễn Văn Xuyến đến vùng Cái Dầu (Hậu Giang).
Đoàn Minh Huyên mất vào giờ ngọ ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856), được chôn cất tại chùa Tây An, mộ không đắp nấm như lời căn dặn của ông trước khi mất. Tuy thế, các tín độ Đạo Lành vẫn tin là Đức Phật Thầy sẽ tái sinh.
Đoàn Minh Huyên có nhiều đệ tử, trong đó có mười hai người nổ danh nhất được gọi là các “ông Đạo” như Cố Quản (Trần Văn Thành), Tăng Chủ (Bùi Văn Thân), Đình tây (Bùi Văn Tây)…
Xuất phát từ Đạo Lành, sau này hình thành nên những chi phái Phật giáo mới như Hòa Hảo, Tứ Ân… có rất nhiều tín đồ ở Nam Bộ…

L.V.N.

No comments:

Post a Comment