Wednesday, April 13, 2016

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA TRIỀU NGUYỄN TRONG VIỆC ĐỂ MẤT NƯỚC TA VÀO TAY PHÁP CUỐI THẾ KỶ XIX


GS. Đinh Xuân Lâmß


Trong chương trình môn Lịch sử Việt Nam ở bậc Phổ thông, cũng như ở bậc Đại học, đều có phầnđề cập tới triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc, và vấn đề lớn nhất là đánh giá vai trò và trách nhiệm của triều đại đó trong việc để nước ta bị tư bản Pháp chiếm vào cuối thế kỷ XIX.
Trước đây, do nhận thức vấn đề chưa đầy đủ, đã có những đánh giá khá nặng nề về triều Nguyễn.            
Giờ đây, với cái nhìn mới, cùng với sự phân tích các sự kiện lịch sử một cách khoa học khách quan, đã có một số ý kiến tương đối nhất trí vế cách dánh giá nhà Nguyễn trong lịch sử.
 Trước hết cần phải đặt triều Nguyễn – cũng như sự xâm lược của tư bản phương Tây nói chung, trong đó có tư bản Pháp, vốn có nhiều quan hệ với Việt Nam từ sớm thông qua các hoạt động liên tục và ngấm ngầm trong nhân dân của đội giáo sĩ và thương nhân kiêm gián điệp trong bối cảnh chung của lịch sử thế giới là cuộc chạy đua ráo riết giữa các nước tư bản chủ nghĩa săn tìm các thuộc địa. Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt nam, với các điều kiện đất rộng người đông, tài nguyên phong phú luôn luôn là đối tượng dòm ngó, săn lùng, là miếng mồi ngon cho bọn tư bản háu lợi. Việt nam cùng các nước trong khu vực phải đối đầu với nguy cơ xâm lược; và cuối cùng trước sức tấn công quyết liệt của bè lũ tư bản phương Tây có ưu thế tuyệt đối về vũ khí, đều lần lượt bị chúng thôn tính, chỉ trừ Xiêm nhờ nằm vào một vị trí trái độn giữa hai tên đế quốc đầu sỏ Anh-Pháp nên giữ được nền độc lập hình thức, nhưng về thực chất vẫn nằm gọn trong hai tay đế quốc đầu sỏ.
Có thể khẳng định bối cảnh chung được giới thiệu trên và một nguyên nhân khách quan sẽ dẫn tới việc thực dân nổ súng phát động chiến tranh xâm lược Việt nam (1858). Đó là nguyên nhân khách quan từ ngoài áp đặt tới, ngoài ý muốn chủ quan của chính quyền và nhân dân các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Đối với Việt Nam, Ngoài nguyên nhân khách quan chung được nêu trên, còn có một nguyên nhân chủ quan mà các nước trong khu vực đều không có. Đó là việc Nguyễn Anh trên con đường lưu vong trước sức tấn công của nghĩa quân Tây Sơn, đã phải bám víu vào tư bản Pháp háu lợi đang cùng tư bản các nước khác chạy đua tìm kiếm thuộc địa trong khu vực Viễn Đông. Về vấn đề này, gần đây trong hội thảo cũng có ý kiến cho rằng việc đi cầu cứu ngoại bang chẳng qua cũng như ở nông thôn “cháy nhà van xóm” thôi, không đáng trách cứ! Trong cuộc tranh chấp quyền lợi, việc tranh thủ đồng minh cũng là lẽ thường, trước kia đã có mà nay vẫn có. Nhưng vấn đề là thái độ xử lý sau khi đã thắng lợi phải như thế nào dể chính kẻ đồng minh mới giúp mình không thể lợi dụng tình hình để mưu lợi. Trong việc này, nói gì thì nói ta phải công nhận rằng thái độ và cách xử sự của vua Gia Long và các vua sau đều có ý thức cảnh giác cao độ với thế lực Pháp. Ngay sau khi đánh bại tây Sơn để lên cầm quyền, Gia Long đã “trả ơn” cho một số người Pháp có công giúp ông ta. Ông ta giữ lại vài người làm quan trong triều, phong cho các chức quan cao cấp, biệt đãi hậu hĩ, nhưng với ý thức cảnh giác cao ông đã gần như cô lập được số người này ngay tại triều đình, theo dõi sát sao và kiểm tra chặt chẽ những quan hệ của bọn Chigneau Vannier… trong mối quan hệ với các phái viên của chính phủ Pháp. Tình hình này kéo dài trong nhiều năm, đến sau năm 1829 Gia Long mất và Minh Mệnh lênh thay thì đã căng thẳng lên nhiều, nhất là từ năm 1831 triều đình Huế đã không công nhận Eugene Chugneau là con trai của Jean Baptiste, Chaigneau đã phải trở về Pháp từ cuối năm 1824 vì tự thấy hoàn toàn bất lực trong nhiệm vụ. Rõ ràng là âm mưu đen tối của tư bản Pháp đối với Việt Nam từ nhựng thập kỷ đầu của thế kỷ XIX là thường trực, nhưng đã thất bại thảm hại trước sự cảnh giác đề phòng, cộng với chính sách khôn khéo mặt ngoài mà cứng rắn bên trong của các vua triều Nguyễn. Chính vì vậy mà nhà Nguyễn, đặc biệt là ông vua khai sáng Gia Long, không thể nói là có việc “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi giày mả tổ” có tính tự nguyện.
Tất nhiên cũng phải công nhận là dù sao việc Gia Long tranh thủ sự viện trợ của Pháp cụng là một cơ hội tốt cho Pháp để ngày càng tăng cường chú ý đến Việt Nam, tìm cách xâm nhập ngày càng sâu bằng hai con đường truyền giáo và buôn bán để đến khi có thời cơ thì hành động. Vì vậy, cũng có thể khẳng định rằng đó là một nguyên nhân chủ quan sẽ dẫn tới cuộc chiến tranh xâm lược của pháp vào giữa thế kỷ XIX, một nguyên nhân tuy rằng chủ quan, nhưng hoàn toàn ngoài ý muốn của Nguyễn Ánh (Gia Long) khi tranh thủ sự trợ giúp quân sự của Pháp.
Nguyên nhân khách quan và chủ quan như vậy, nhưng các nguyên nhân đó hoàn toàn không quyết định việc nước ta bị tư bản Pháp thôn tính. Mà việc mất nước Việt Nam vào tay tư bản Pháp vào giữa thế kỷ XIX lại do trách nhiệm chủ quan của triều đình nhà Nguyễn – nói triều đình nhà Nguyễn lúc này không phải chỉ mấy ông vua mà là cả bộ máy quần thần quan liêu, bảo thủ nặng nề, nhất nhất mọi xử sự và hành động đều theo tư tưởng Tống Nho hẹp hòi và cổ hủ.
Có ý kiến khẳng định rằng việc nước ta rơi vào tay Pháp hồi giữa thế kỷ XIX là do trình độ dân trí Việt nam quá thấp kém so với kẻ xâm lược, “văn minh nông nghiệp của Á Đông hết sức lạc hậu, yếu hèn” mà văn minh khoa học, cơ giới của phương Tây lại quá mạnh. Khẳng định như vậy thì còn gì là trách nhiệm chủ quan của nhà Nguyễn trong việc bảo vệ đất nước, vì một lý do có tính chất “định mệnh”, bất khả kháng rồi. Nói như vậy là việc mất nước có tính tất yếu, kẻ yếu phải thua kẻ mạnh, người văn minh phải chiến thắng người lạc hậu.
Để làm rõ trách nhiệm chủ quan của nhà Nguyễn trong việc để mất nước vào cuối thế kỷ XIX, phải thấy được việc mất nước là một quá trình từ không tất yếu cuối cùng đã chuyển thành tất yếu, có nghĩa là buổi đầu tư bản Pháp nổ súng xâm lược, khả năng đánh bại chúng dưới là cờ của triều đinh không phải không có, mà do chính những chính sách sai lầm của triều đình dã làm cho các khả năng đề kháng và chiến thắng của quân dân ta ngày càng tiêu mòn, kẻ địch lấn lướt từ này tới bước khác để cuối cùng nuốt trọn nước ta. Chứng cớ là trong thời kỳ đầu tấn công xâm lược nước ta, chúng đã vấp phải sức ngoan cường của quân dân ta chiến đấu dưới lá cờ của triều đình, tình hình chúng có lúc vô cùng nguy ngập và đã tính đến chuyện rút quân về nước để tránh bị tiêu diệt tại chỗ. Thế nhưng chính trong quá trình chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc đã ngày càng bộc lộ sự bất lực và phản động của triều đình Nguyễn chỉ sau một thời kỳ ngắn lãnh đạo nhân dân để chiến đấu – rõ ràng không ngoài mục đích giữ vựng ngai vàng của dòng họ đã nhanh chóng trượt dài trên con đường nội bộ, cầu hòa để có thể đối phó với phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước ngày càng phát triển do hàng loạt chính sách sai lầm của nhà cầm quyền, đối nội thì triệt để bóc lột nhân dân đến xương tủy để phục vụ cho cuộc sống xa hoa phung phí của bè lũ, kết hợp với thẳng tay đàn áp nhân dân các địa phương, đối ngoại lại thực hiện chính sách bành trướng đối với hai nước láng giềng sau lưng trong lúc yêu cầu chung của lịch sử ba nước bán đảo Đông Dương là phải đoàn kết với nhau để chống lại kẻ thù chung. Bên ngoài thì kẻ thù đang ra sức đẩy mạnh âm mưu thôn tính, mà bên trong thì giữa người cầm quyền với nhân dân lại không cố kết một lòng, thậm chí có lúc kẻ cầm quyền đã sẵn sàng chìa tay ra hợp tác với kẻ thù dân tộc để có thêm điều kiện đàn áp phong trào quần chúng.
Nhận định tình hình nước ta khi Pháp phát động chiến tranh xâm lược, có thể khẳng định chế độ phong kiến ở Việt Nam dang ngày càng suy kiệt, lực lượng vật chất và tinh thần của nhân dân ta bị sự thống trị của nhà Nguyễn hủy hoại, chỉ có thể cứu vãn nguy cơ mất nước nếu nhà cầm quyền sớm biết mở đường cho xã hội tiến lên theo hướng mới, tăng cường lực lượng vật chất và tinh thần trong nhân dân để có đủ khả năng bảo vệ đất nước. Muốn vậy chỉ có thể thực hiện được bằng cách điều chỉnh các mối xung đột của địa chủ với nông dân, giữa giai cấp phong kiến ngoan cố với những thành phần tư sản chớm nở, chấn chỉnh quân đội, cố kết nhân tâm, một yêu cầu mà nhà Nguyễn với tất cả những tồn tại và hạn chế của nó hoàn toàn không có khả năng đáp ứng.
Kết quả là tư bản Pháp đã có thể vượt qua những khó khăn không ít và không nhỏ của chúng để cuối cùng nuốt gọn Việt Nam. Trách nhiệm của triều Nguyễn trong việc để mất nước ta vào tay tư bản Pháp hồi cuối thế kỷ XIX là hiển nhiên, không thể chối cải. Thực tế đau sót này, chính một sử gia Pháp, Charles Gosselin đã xác nhận, khi cho rằng “những vị Hoàng đế An Nam phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ và xuống dốc của đất nước họ. Dẫu xứ này, quan lại, binh lính xứng đáng có quyền được những người cầm đầu có giá trị hơn thế. Chính quyền họ đã mù quáng vì không dự liệu, không chuẩn bị gì hết” (Ch.Gosselin-L’Empire d’Annam, Paris Perrin, 1904). Phạm Văn Đồng, một cán bộ cách mạng, đồng thời là một nhà văn hóa lớn, cũng đã nhận định chính xác như sau: “Hồi tưởng cuộc chiến đấu anh dũng vô song của dân tộc Việt Nam ta ở Nam Bộ lúc bấy giờ…giá như triều đình lúc bấy giờ không phải ở trong tay bọn vua chúa nhà Nguyễn phản bội và đầu hàng, mà ở trong tay những người kế tục sự nghiệp của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, kế tục sự nghiệp yêu nước và anh dũng của Nguyễn Huệ thì phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ ở Nam Bộ chắc còn mạnh mẽ hơn nhiều, nhất là đã được lãnh đạo thống nhất và kiên trì đấu tranh cho đến thắng lợi, đồngthời phong trào ấy chắc được sự ủng hộ kiên quyết của cả nước, như vậy đất Đồng nai anh dũng từ đó, đã trở nên bức thành đồng ngăn chặn bọn cướp nước phương Tây xâm phạm đất nước chúng ta ở Nam Bộ, và do đó đã bảo vệ vẹn toàn độc lập và thống nhất của Tổ Quốc” ( Phạm Văn Đồng –Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ- Văn học, Hà Nội, 1969).
Để kết luận, có thể khẳng định rằng Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ XIX đã bị đặt vào tình trạng khủng hoảng vai trò lãnh đạo, triều Nguyễn bằng những chính sách phản động đã tự thủ tiêu vai trò lãnh đạo của mình, đối lập sâu sắc với nhân dân cả nước, ngày càng lún sâu vào con dường nhượng bộ, cầu hòa, và cuối cùng câu kết với kẻ thù dân tộc trong việc đàn áp, bóc lột nhân dân cả nước. Đó là trách nhiệm, đ1o cũng là tội lớn nhất của nhà Nguyễn trước dân tộc, trước lịch sử.



ß Đại học Quốc gia Hà Nội

No comments:

Post a Comment