Wednesday, April 27, 2016

ĐỖ THANH NHÂN (? – 1781)

Thủ lĩnh quân Đông Sơn, người làng Minh Hương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Đỗ Thanh Nhân được liệt vào “Gia Định tam hùng” cùng với Võ Tánh* và Châu Văn Tiếp.
Thanh Nhân là người rất giỏi thủy chiến, khi mới đầu quân chúa Nguyễn, Nhân được giữ chức Thuyền hữu hội trưởng. Năm 1775, quân Trịnh uy hiếp đất Phú Xuân của chúa Nguyễn đồng thời quân Tây Sơn lớn mạnh ở Qui Nhơn, Thanh Nhân theo chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Gia Định, rồi đến Trấn Biên (1776). Tại đây Thanh Nhân được lệnh chúa Nguyễn viết hịch, hiệu triệu binh lính, tụ tập được hơn ba ngàn người ở Ba Giồng (Cai Lậy, Mỹ Tho), đặt tên cho toán quân này là Đông Sơn (có nghĩa là đối địch với Tây Sơn). Theo về với Nhân có nhiều người tài năng như Nguyễn Huỳnh Đức*, Đỗ Vàng… Sau đó Thanh Nhân dẫn quân Đông Sơn đi đánh Sài Gòn. Sử liệu ghi lại rằng quân Đông Sơn rất dung mãnh, mỗi lần hành quân đều bôi áo, vẽ mặt, cuồn cuộn tiến tới, đến đâu đối phương đều dặt ra đến đấy. Quân Tây Sơn thua, chạy về Quy Nhơn. Thanh Nhơn lấy lại Sài Gòn và rước Phúc Thuần về Bến Nghé (Gia Định). Phúc Thuần thăng cho Nhân làm Ngoại hữu Chưởng định Phương quận công. Qua năm sau, quân Tây Sơn vào đánh, lấy lại được Sài Gòn, giết được Nguyễn Phúc Thuần. Nguyễn Ánh* thoát được, chạy về Long Xuyên. Thanh Nhân lại phò Nguyễn Ánh, tụ tập quân sĩ, chiếm lại thành Sài Gòn, chém được tư khấu Nguyễn Oai của Tây Sơn, đuổi thủy binh đối phương bật khỏi Trấn Biên và Phiên Trấn. Sau khi chiếm Gia Định, Thanh Nhân được cử bình định đất Chân Lạp, giúp Nặc In lên ngôi vua Chân Lạp, ngoài ra Nhân còn phá được cuộc nổi dậy của người Khơme ở Trà Vinh.
Năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương, phong cho Nhân làm Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng quân. Chính trong thời gian này Đỗ Thanh Nhân đã có sáng kiến đóng thuyền hai lái, một bánh lái hình dài để đi đường biển, một bánh lái hình tròn để đi đường sông. Trên thuyền có gác sàn, hai bên che phên tre để bảo vệ thủy binh chèo chống ở dưới, bộ binh sẵn sang xung kích ở trên. Sáng kiến này được xem như là một phát minh về kỹ thuật đóng tàu vào thế kỷ này.
Vì có công lớn với chúa Nguyễn, Thanh Nhân tỏ ra lộng quyền, lại nắm trong tay đội quân dũng mãnh Đông Sơn, bắt dân phải nạp quân lương. Chưởng cơ Tống Phúc Thiêm tâu với Nguyễn Ánh nên trừ Thanh Nhân đi. Nguyễn Ánh bèn giả bệnh, vời Nhân vào chầu để cho võ sĩ phục ra giết chết (3.1781). Trước kia quân Đông Sơn theo phò Nguyễn Ánh, nhưng nay vì sự kiện ấy đều rời bỏ và chống lại, Nguyễn Ánh phải đánh dẹp mãi mới xong.

Y.T và Q.T.

No comments:

Post a Comment