Wednesday, April 13, 2016

ĐINH BỘ LĨNH (Đinh Tiên Hoàng, 924 – 979)

Người ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (huyện Hoa Lư, tỉnh Hà Nam Ninh), con của Đinh Công Trứ, Thứ sử Hoan châu thời Dương Đình Nghệ. Cha mất sớm, ông về ở với mẹ tại Đàm Gia. Tương truyền ông thường cùng các trẻ chăn trâu chia phe, lấy bông lau làm cờ, bày trận đánh nhau. Chúng bạn tôn ông làm chủ tướng.
Khi trưởng thành, ông là người có khí phách phi thường, mong lập được sự nghiệp lớn lao. Sau khi Ngô Quyền* mất, trong triều xảy ra nhiều xung đột làm chính quyền trung ương suy yếu, hào trưởng các nơi nổi dậy chiếm mỗi người một vùng và tranh giành nhau quyết liệt tạo nên cuộc nội loạn gọi là loạn mười hai sứ quân. Đinh Bộ Lĩnh về quê chiêu tập lực lượng, nhân dân trong vùng theo về rất đông. Ông liên kết với sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu (thị xã Thái Bình) để tăng cường thêm thế lực. Sau khi Lãm chết, ông trở thành người cầm đầu một lực lương mạnh mẽ. Ông dùng mưu hang phục các sứ quân Ngô Nhật Khánh, Ngô Xương Xí, đánh thắng Đỗ Cảnh Thạc. Được sự ủng hộ của nhân dân, ông đánh đâu được đó, nên được gọi là Vạn Thắng Vương.
Năm 968, dẹp tan loạn sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế tức Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Đinh Tiên Hoàng củng cố nền thống nhất quốc gia, xây dựng chính quyền vững chắc và quân đội hùng mạnh. Ngoài ra ông còn cho đúc tiền, xây dựng cung điện và đặt ra luật pháp rất nghiêm.
Năm 979, nhân lúc ông và Đinh Liễn uống rượu say nằm ở sân điện, tên quan hầu Đỗ Thích lẻn vào ám sát cả hai.

L.V.N

No comments:

Post a Comment