Wednesday, April 27, 2016

TRIỀU ĐÌNH NHÀ NGUYỄN KHÔNG CHẤP NHẬN HAY KHÔNG THỂ THỰC HIỆN CÁC ĐỀ NGHỊ CẢI CÁCH CỦA NGUYỄN TRƯỞNG TỘ?



PGS. TS. Đỗ Thanh Bìnhß


Vào nửa thế kỷ XIX, khi mà các nước phương Tây hoàn thành các cuộc cách mạng công nghiệp, đưa chủ nghĩa tư bản lên một giai đoạn cao hơn, thì ở châu Á, một số nước đã tiến hành cách mạng tư sản hay tiến hành cải cách đất nước hoặc chí ít thì cũng đưa ra những dự án canh tân đất nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam…hy vọng đưa đất nước thoát khỏi tình trạng của một xã hội phong kiến lạc hậu.
Thế nhưng không phải dự án cải cách nào ở các nước châu Á cũng được thực thi thành công. Ở Nhật Bản, thứ nữa là Xiêm, các cuộc cải cách được tiến hành và kết quả là những nước này đã tiến vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, từng bước xóa bỏ những hiệp ước bất bình đẳng mà trước đó phải ký với phương Tây, thoát khỏi thân phận thuộc địa. Còn ở Trung Quốc và Việt Nam, những dự án cải cách đó không được thực thi hoặc thực thi không thành công. Truy tìm căn nguyên cải cách thất bại ở Trung Quốc, người ta thấy rằng, ngoài nguyên nhân chủ yếu là chế độ phong kiến bảo thủ thâm căn cố đế, bọn quan lại vì quyền lợi cá nhân chống lại cải cách, thì phải kể đến nguyên nhân về khía cạnh thời đại. Những dự án cải cách được đề ra khá sớm của Lâm Tắc Từ, của phái Dương Vụ mang tính nửa vời, không thành công; những dự án cải cách của Lương Khải Siêu được tiến hành vào những năm 1898 cũng thất bại, vì đến lúc này, chủ nghĩa đế quốc phương Tây không bao giờ để Trung Quốc trở thành nước tư bản, bởi như thế chúng sẽ mất đi một thị trường bóc lột rộng lớn… Còn những dự án cải cách của các nhà nho yêu nước Việt Nam cũng đưa ra khá sớm, gần như đồng thời với những dự án canh tân của Nhật Bản và Xiêm, thế nhưng những dự án này lại không được thực hiện.
Muốn cải cách được tiến hành và tiến hành thắng lợi thì phải có những cơ sở, những điều kiện, những tiền đề khách quan và chủ quan. Ở Nhật Bản và Xiêm đã có những cơ sở, tiền đề đó không? Và ở Việt Nam trong cùng khoảng thời gian ấy thì sao? Tại sao Nhật Bản và Xiêm lại duy tân, cải cách thành công? Tại sao Việt Nam lại không thể tiến hành thành công công cuộc duy tân như Nhật Bản hay chí ít không thực hiện một số cải cách như Xiêm?
Rõ ràng, một loạt vấn đề đặt ra như trên cần phải giải đáp.
Trước vận mệnh của dân tộc vào giữa thế kỷ XIX, một loạt các nhà nho yêu nước có tư tưởng canh tân táo bạo (như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ, Phạm Phú Thứ, Bùi Viện…) dược đề xuất, được xem như là những biện pháp cứu cánh để đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ trổ thành thuộc địa. Bàn đến tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Lưu Văn Lợi đã viết: “vấn đề lớn nhất của đất nước lúc đó, vận mệnh của Tổ quốc trước ý đồ xâm lược của thực dân Pháp là điều ông đề cập đầu tiên trong chiến lược canh tân”[1].
Trong tất cả những đề xuất của nhà nho yêu nước Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XIX, đáng chú ý hơn cả là dự án canh tân của Nguyễn Trường Tộ. Dự án của ông khiến cho không ít những người đương thời và hậu thế tán đồng và khâm phục: vì theo họ, đó là một kế hoạch đổi mới toàn diện đất nước, nếu được thực thi, có thể xoay chuyển được tình hình đất nước lúc bấy giờ. Năm mươi tám bản điều trần trong tám năm (1863 – 1871) mà Nguyễn Trường Tộ gửi cho triều đình Huế là cả một bản kế hoạch đồ sộ, hy vọng để xoay vần đất nước mà người đời sau học lên vô cùng thán phục. Nội dung những bản điều trần của ông, nổi lên bốn vấn đề chính: cải cách kinh tế, văn hóa và giáo dục, quân sự, chính trị và ngoại giao. Đó là những đề nghị mà Nguyễn Trường Tộ dồn cả tâm huyết và trí lục sáng tạo nên, và điều đáng khâm phục là nó không thua kém gí các nội dung cải cách của các nước láng giềng lúc bấy giờ.
Vấn đề đặt ra: vì sao kế hoạch cải cách đồ sộ của ông lại không được thực thi? Có phải ông thiếu kiên trì và nhiệt thành đệ trình bản kế hoạch lên nhà vua hay không? Hay vì Tự Đức nhất mức khước từ đề nghị này? Lâu nay không ít ý kiến giải đáp cho rắng tất cả là do nhà Nguyễn mà đại biểu là Tự Đức.
Công bằng mà nói, không phải Tự Đức quay lưng hoàn tòn với cải cách. Ông đã đọc các điều trần và thái độ không phải lúc nào cũng thờ ơ vối những điều tâm huyết trong cải cách. Trong thực tế nhà vua cũng đã thi hành một số cải cách trong các lĩnh vực kinh tế (như mở các mỏ than, sắt; định ngạch thuế trong thương mại. lập Ty bình chuẩn trông coi việc buôn bán; mua sắm vũ khí, dịch tài liệu quân sự nước ngoài để huấn luyện quân đội; phê chuẩn việc học tiếng nước ngoài, đưa người ra nước ngoài học tập; giao lưu với một số nước…). Khi đám quần thần bàn lùi trong thực thi cải cách thì ông dụ rằng “Xét việc thì nên cẩn thận và suy nghĩ cho chin, nhưng cũng nên làm thế nào cho tiến bộ, chứ không tiến là thoái vậy!”[2]. Tuy nhiên, ông cũng là một ông vua thiếu quyết đoán, chủ yếu dựa vào các ý kiến của triều thần, mà triều thần tuy có người thanh liêm và có thực quyền như Trương Đăng Quế, song lại bảo thủ…Vì thế, những đề án cải cách thường bị cho vào ngăn tủ rồi bị lãng quên hoặc nó được thực thi ở những điểm nào đó, nhưng cũng là nửa vời, vớt vát, không mang lại kết quả.
Song cũng không nên đổ lỗi tất cả cho cá nhân Tự Đức mà phải tìm căn nguyên trong tổng thể xã hội[3]. Cái tổng thể xã hội ở đây chính là cấu trúc chính trị - xã hội cơ sở kinh tế và một lực lượng đủ sức để canh tân đất nước.
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, ở Việt Nam chưa có đầy đủ những điều kiện đó. Thời điểm mà Nguyễn Trường Tộ đề nghị cải cách, Việt Nam chưa có một cấu trức chính trị - xã hội tiên tiến như Nhật Bản, kể cả Xiêm. Trong lúc ở Âu – Mỹ, khoa học – kỹ thuật phát triển nhanh chóng, nền kinh tế thay da đổi thịt với những thành tựu kinh ngạc, thể chế chính trị chuyển sang một cấu trúc mới – tư bản chủ nghĩa… thì ở Việt Nam triều thần quanh vua Tự Đức chỉ lo tầm chương trích cú, rửa bút mài nghiên theo lối cổ hủ, bàn đến quốc sự thì triều Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương, Chu xa xưa của Trung Quốc làm gương, tự ngực là văn minh, chê bai thiên hạ…[4]. khi đất bị đe dọa thì phía ngoài, vua hỏi kế sách thì tất cả im lặng; khi nước ngoài cải cách tác động vào nhiều nhà canh tân Việt Nam đưa ra những điều trần đổi mới thì triều thần cho là nói càng, nói nhảm…[5]
Nội tình Việt Nam dưới thời Nguyễn khiến Nguyễn Trường tộ phải thốt lên: “Hiện nay tình hình trong nước rối loạn. Trời sanh tai biến để cảnh cáo, đất thì hạn hán tai ương, tiền của sức lực của dân đã kiệt quệ. Việc cung cấp cho quân binh đã mệt mỏi, trong triều đình quần thần chỉ lảm trò hề cho hiền tài, chia đảng lập phái khuynh loát nhau… các tỉnh thì quan lại tham nhũng, xưng hung xưng bá, tác phúc tác oai, áp bức kẻ cô thế , bòn rút mỡ dân, đục khoét tủy nước, việc đó đã xảy ra từ lâu rồi”[6]
Một bộ máy nhà nước dựa vào đám quần thần bảo thủ, lạc hậu, một ông vua thiếu quyết đoán, không dám vượt lên những lời bàn của đám hủ nho thì những đề nghị cải cách của những nhà canh tân, trong đó có Nguyễn Trường Tộ, trở nên lạc long và bị rơi vào im lặng là điều tất yếu.
Không thể trách một mình vua Tự Đức, Ngôi nhà mà các nhà canh tân thiết kế trông đồ sộ nhưng lại thiếu một nền móng vững chắc, thiếu một người chỉ huy thi công – đó là một chính quyền đủ mạnh, có thể đảm đương việc triển khai canh tân.
Đem so với cuộc duy tân của Nhật Bản (1868) càng thấy rõ sự thiếu hụt này của Việt Nam thời bấy giờ. Để tiến hành canh tân, Nhật Bản đã trải qua một cuộc biến động mạnh mẽ về cấu trúc xã hội và chính trị. Cuộc đấu tranh kéo dài giữa lực lượng bảo thủ Tokugawa và lực lượng Daimyo tư bản hóa ủng hộ Thiên Hoàng muốn phát triển đất nước như phương Tây đã kết thúc bằng cuộc đảo Mạc vào tháng 1 – 1868. Sự kiện năm 1868 đã đưa đến một cấu trúc chính quyền mới ở Nhật Bản: lực lượng cải cách nắm chính quyền, đứng đầu là Hoàng đế trẻ tuổi Mutxohitô với lực lượng Daimyo và hàng triệu Samurai ủng hộ. Nước Nhật bước vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Cuộc Duy tân ở Nhật Bản có người dẫn đường chỉ lối và bảo đảm. Cuộc canh tân diễn ra suôn sẽ.
Cải cách có được tiến hành và tiến hành thành công hay không còn phải tính đến một nhân tố khác – đó là phải có một cơ sở kinh tế nhất định và một lực lượng đủ sức đảm nhận công việc canh tân.

Trong suốt thời kỳ thống trị của mình các vua triều Nguyễn đều thực hiện chính sách “trọng nông ức thương” kìm hãm sự phát triển nền kinh tế hàng hóa. Mặc dù Gia Long hiểu được tầm quan trọng của Sài Gòn – Gia Định và vị trí của đô thị này nằm trong khu vực đối với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa, nhưng ông rút về Phú Xuân với mục đích phòng thủ. Các vua nối tiếp: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức đều thực thi chính sách “đóng cửa”. Thời Minh Mệnh, thậm chí có năm nhà vua đã cấm dân hợp chợ; buôn bán giữa các vùng bị cản trở nên hoạt động thương mại giảm sút. Kinh tế hàng hóa bị ngăn cản, do đó thành thị không phát triển, cư dân đa số sống ở nông thôn với nền kinh tế tự cung tự cấp; thị dân rất ít ỏi, yếu ớt. Đội ngũ thương nhân cơ bản là nông dân kiêm nghiệp, hoạt động theo thời vụ, “lấy công làm lãi” trong hệ thống chợ làng. Chợ làng và hoạt động buôn bán ở làng quê đã cắt bớt một phần nhựa sống ở thành thị, làm cho thành thị không thể phát triển được.[7]
Nhìn sang Nhật Bản, vào thời Tokugawa, người Nhật thi hành chính sách “đóng cửa”, nhưng họ đóng cửa để phát triển nội lực, tạo một tiền đề bên trong nhất định để khi mở cửa dễ dàng hội nhập nhanh chóng với thế giới hiện đại. Chính quyền Mạc Phủ hiểu rõ tầm quan trọng của nền kinh tế công – thương nghiệp và luôn coi sự phát triển kinh tế là nền tảng căn bản để xây dựng đất nước. Chính quyền đã kêu gọi thương nhân vào sống và làm việc trong các thành thị, khuyến khích phát triển ngoại thương, cố gắng loại bỏ những ngăn cách về địa giới hành chính.
Từ đầu thế lỷ XVIII, kinh tế thương mại và thủ công ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế quốc dân. Thành thị xuất hiện ngày càng nhiều và thực sự trở thành những trung tâm sản xuất, thương mại, tài chính của cả nước. Do đó, thương nhân,thị dân xuất hiện ngày một nhiều và chính họ đã nắm những nguồn kinh tế trọng yếu, kinh tế nông nghiệp càng tỏ ra mất ưu thế so với nhịp độ phát triển của kinh tế công – thương nghiệp, nông dân và những người sống ở những vùng làng quê nghèo khổ vẫn bỏ quê kéo vào thành phố và làm đủ nghề để sống, dần dần họ nhanh chóng dược thị dân hóa. “Thành thị đã trở thành một nhân tố quan trọng trong đời sống Nhật Bản, trong vấn đề chính quyền và kinh tế, trong sự hình thành nền văn hóa đại chúng và các trào lưu trí thức”[8]. Tầng lớp thị dân đông đảo, là lực lượng làm cơ sở cho chế độ mới và cũng là lực lượng hùng mạnh ủng hộ cải cách của Thiên hoàng Minh Trị.
Ở Việt Nam, dưới triều Nguyễn, chính sách “đóng cửa” lại triệt tiêu khả năng nội lực; chính sách “trọng nông ức thương” đã ngăn cản kinh tế công thương, và do đó, hạn chế sự phát triển thành thị và thị dân -  những nhân tố mới – cơ sở của cải cách. Sau này, Tự Đức nhận ra và tiến hành một số biện pháp chấn hưng đất nước thì “lúc đó đã quá chậm, thế nhưng quần thần vẫn chần chừ, ngại cải cách, nếu có làm, làm dè dặt, nửa chứng…Triều đình chia làm hai phe: cách tân và bảo thủ, người chủ trương cách tân dù kiên quyết nhưng trong điều kiện quá chênh lệch về lực lượng, nên cuối cùng bi thất bại”[9]
Một vấn đề chu1ngto6i thấy cần phải nêu ở đây, song sẽ không được giải quyết trong phạm vi bài viết này. Đó là xem xét con người và biện pháp canh tân của Nguyễn Trường Tộ đáp ứng được yêu cầu của đất nước như thế nào? Vấn đề đã và đang được giới khoa học, những nhà hoạt động chính trị, xã hội trong và ngoài nước tranh luận và có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, đối lập nhau. Một vấn đề lớn như vậy gợi cho chúng ta tiếp tục nghiên cứu để giải quyết.
Tóm lại, ở Việt Nam trong nửa sau thế kỷ XIX, nhu cầu về một cải cách toàn diện đã được đặc ra khá cấp bách, thế nhưng những tiền đề, điều kiện để thực hiện cuộc cải cách ấy lại chưa xuất hiện, hoặc chưa đầy đủ. Trong bối cảnh ấy, một mình ông vua, nếu có tâm huyết và chí khí, cố vùng vẫy trong đám quần thần bảo thủ, một xã hội không có nhân tố mới, thì sự vùng vẫy ấy của ông vua sẽ bị chím dần trong sự lạc hậu, cố chấp, bảo thủ của một chế độ phong kiến đang suy tàn.




ß Khoa sử - ĐHSP Hà Nội
[1] Lưu Văn Lợi: Tư tưởng canh tân Nguyễn Trường Tộ Quan hệ quốc tế, 10 - 1990
[2] Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng: Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh Niên, HN 1999, tr. 362
[3] Nguyễn Văn Hồng: Mấy vấn đề về lịch sử châu Á và lịch sử Việt Nam – một cách nhìn, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội 2001, tr. 351
[4] Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, Sđd, tr. 361
[5] Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, Sđd, tr. 362
[6] Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ - Con người và dị thảo, NXB TPHCM, 1998, tr. 110
[7] Nguyễn Quang Ngọc: Đôi nét về công ty Đông Ấn Hà Lan và thương nghiệp phố Hiến (phố Hiến kỷ yếu – Hội thảo khoa học), Sở VHTT – TT Hải Hưng 1994, tr. 247.
[8] John W. Hall: Studies in the Institutional History of Early Modern Japan, Princeton University, 1970, tr. 183
[9] Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, Sđd, tr. 363.

ĐỖ THANH NHÂN (? – 1781)

Thủ lĩnh quân Đông Sơn, người làng Minh Hương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Đỗ Thanh Nhân được liệt vào “Gia Định tam hùng” cùng với Võ Tánh* và Châu Văn Tiếp.
Thanh Nhân là người rất giỏi thủy chiến, khi mới đầu quân chúa Nguyễn, Nhân được giữ chức Thuyền hữu hội trưởng. Năm 1775, quân Trịnh uy hiếp đất Phú Xuân của chúa Nguyễn đồng thời quân Tây Sơn lớn mạnh ở Qui Nhơn, Thanh Nhân theo chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Gia Định, rồi đến Trấn Biên (1776). Tại đây Thanh Nhân được lệnh chúa Nguyễn viết hịch, hiệu triệu binh lính, tụ tập được hơn ba ngàn người ở Ba Giồng (Cai Lậy, Mỹ Tho), đặt tên cho toán quân này là Đông Sơn (có nghĩa là đối địch với Tây Sơn). Theo về với Nhân có nhiều người tài năng như Nguyễn Huỳnh Đức*, Đỗ Vàng… Sau đó Thanh Nhân dẫn quân Đông Sơn đi đánh Sài Gòn. Sử liệu ghi lại rằng quân Đông Sơn rất dung mãnh, mỗi lần hành quân đều bôi áo, vẽ mặt, cuồn cuộn tiến tới, đến đâu đối phương đều dặt ra đến đấy. Quân Tây Sơn thua, chạy về Quy Nhơn. Thanh Nhơn lấy lại Sài Gòn và rước Phúc Thuần về Bến Nghé (Gia Định). Phúc Thuần thăng cho Nhân làm Ngoại hữu Chưởng định Phương quận công. Qua năm sau, quân Tây Sơn vào đánh, lấy lại được Sài Gòn, giết được Nguyễn Phúc Thuần. Nguyễn Ánh* thoát được, chạy về Long Xuyên. Thanh Nhân lại phò Nguyễn Ánh, tụ tập quân sĩ, chiếm lại thành Sài Gòn, chém được tư khấu Nguyễn Oai của Tây Sơn, đuổi thủy binh đối phương bật khỏi Trấn Biên và Phiên Trấn. Sau khi chiếm Gia Định, Thanh Nhân được cử bình định đất Chân Lạp, giúp Nặc In lên ngôi vua Chân Lạp, ngoài ra Nhân còn phá được cuộc nổi dậy của người Khơme ở Trà Vinh.
Năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương, phong cho Nhân làm Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng quân. Chính trong thời gian này Đỗ Thanh Nhân đã có sáng kiến đóng thuyền hai lái, một bánh lái hình dài để đi đường biển, một bánh lái hình tròn để đi đường sông. Trên thuyền có gác sàn, hai bên che phên tre để bảo vệ thủy binh chèo chống ở dưới, bộ binh sẵn sang xung kích ở trên. Sáng kiến này được xem như là một phát minh về kỹ thuật đóng tàu vào thế kỷ này.
Vì có công lớn với chúa Nguyễn, Thanh Nhân tỏ ra lộng quyền, lại nắm trong tay đội quân dũng mãnh Đông Sơn, bắt dân phải nạp quân lương. Chưởng cơ Tống Phúc Thiêm tâu với Nguyễn Ánh nên trừ Thanh Nhân đi. Nguyễn Ánh bèn giả bệnh, vời Nhân vào chầu để cho võ sĩ phục ra giết chết (3.1781). Trước kia quân Đông Sơn theo phò Nguyễn Ánh, nhưng nay vì sự kiện ấy đều rời bỏ và chống lại, Nguyễn Ánh phải đánh dẹp mãi mới xong.

Y.T và Q.T.

VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ CỦA NHÀ NGUYỄN


TS. Hồ Tuấn Dũngß

Cũng như các triều đại phong kiến trước, dưới thời nhà Nguyễn, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân quỹ quốc gia. Moi chi phí cho các hoạt động của nhà nước và các sinh hoạt lương bổng của hệ thống vua quan triều đình đều dựa vào nguồn thu này. Sau khi lên ngôi (1802), Gia Long tiếp tục thực hiện “Phép tô, dung” như các triều đại trước. Ba sắc thuế chính của nhà Nguyễn đặt ra là: thuế điền thổ (thuế ruộng đất), thuế đinh (thuế thân), thuế tạp dịch. Ngoài ra còn có một số sắc thuế khác đánh vào các hoạt động công thương như thuế hầm mỏ, thuế cảng, thuế nguồn đầm, thuế quan tân, thuế hiện vật đối với các hộ sản xuất thủ công, thuế thuốc phiện, thuế thuyền bè, thuế rượu…
Về thuế điền thổ, Nhà nước đánh thuế hầu hết các loại ruộng, đất (trừ đất công cộng, đất ban thưởng cho gia đình quan lại, đất đình chùa và thờ tự). Ruộng đất phân chia làm hai loại hình sở hữu: ruộng đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước và ruộng đất công (làng, xã), tư (cá nhân). Triều đình đánh thuế ruộng công nặng hơn thuế ruộng tư nên tầng lớp nông dân nghèo không có ruộng, nhất là những vùng đông dân cư ở đồng bằng  sông Hồng, sông Mã, chịu thuế nặng.
Đối với ruộng đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước, nhà Nguyễn chia thành 4 loại: đồn điền, quan điền – quan trại, ruộng đại nạp Nam Kỳ và ruộng ba tú Nam Kỳ. Ở mỗi triều vua ruộng đất lại được chia thành nhiều đẳng hạng và áp dụng các mức thuế khác nhau. Tô thuế ruộng đất thường nộp bằng hiện vật (đơn vị tính là học, thăng hoặc bát thóc). Ví dụ ruộng quan điền thời Gia Long, thuế thu 100 thăng / mẫu; thời Tự đức có nhiều mức từ 10 thăng đến 245 thăng / mẫu; ruộng đại nạp Nam Kỳ hạng hộc, hạng 24 hộc, hạng 33 hộc[1].
Ruộng đất công, tư lại được chia làm hai loại: ruộng (để cày cấy) và đất ( thổ để trồng màu và cây lưu niên)
Đất cũng được chia thành từng vùng và mức độ thuế đánh theo từng loại cây trồng. Hính thức nộp thuế của từng loại đất trồng cây khác nhau: đượcthu bằng hiện vật hay bằng tiền. Thời Gia Long, đất trồng mía thu 10 thăng/ mẫu, còn các loại đất khác nộp bằng tiền, như đất trồng dừa có 3 mức thuế: 19 quan / 5 thửa, 2 quan / thửa và 2,5 quan /thửa[2].
Một bộ phận thu nhập quan trọng của nhà nước, đồng thời là một thứ nghĩa vụ là thuế thân (thuế đinh) chỉ đánh vào nội đinh (là những người dân chính thức của làng), được hưởng những quyền lợi công dân, như được chia ruộng đất công, được tham gia các chức vụ chính quyền ở xã hay phạm vi ngoài xã và nhiều quyền lợi khác. Ngoại đinh (dân lậu hay ngụ cư) được miễn thuế thân, nhưng không được hưởng một quyền lợi nào.
Cũng như thuế ruộng đất, thuế thân cũng được chia theo vùng (khu vực địa lý). Thời  Gia
Long, cả nước chia làm 3 vùng; thời Tự Đức chia 5 vùng, ở mỗi vùng, áp dụng các mức thuế khác nhau. Nhà nước dựa vào số dinh của làng xã để đánh thuế. Trong số đinh, nội đinh được sắp xếp theo hạng khá tỉ mỉ (tráng hạng, quân hạng, dân hạng, lão tật hạng) với các mức thuế khác nhau. Những hạng được miễn thuế là: người có chức sắc, con quan thời Nguyễn, nhiêu ấm, nhiêu thân, quan chức, người đỗ đạt, binh sĩ, thợ thuyền. Trong thời gian chống Pháp, triều đình có chính sách miễn, trừ thuế thân, tạp dịch đối với thương binh, tùy theo mức độ thương tật. Số đinh mỗi năm tiểu tu một lần và 5 năm đại tu một lần để điều chỉnh cho đúng với thực tế dân cư trong xã. Thuế thân thu bằng tiền.
Để hạn chế số dân theo đạo Gia tô, triều đình tăng thuế thân,quy định xã thôn nào dân chưa bỏ hết đạo bị tăng thuế thân gấp rưỡi, xã thôn nào che dấu, chứa chấp Đạo trưởng, tăng thuế gấp đôi. Ngoại đinh theo đạo bị buộc nộp thuế bằng nội đinh. Từ 8-1865, Nhà nước bắt đầu đánh thuế thân đối với người Minh hương hoặc người Thanh (tức người Trung Quốc sang trú ngụ ở Việt Nam).
Về thuế tạp dịch (lao dịch) nhà nước không định số ngày huy động trong năm mà tùy theo yêu cầu của công việc. Dân miền núi và xa trung tâm thường được miễn. Pháp luật nhà Nguyễn cấm ngặt quan lại không được huy động nhân công cho việc riêng, hoặc khi đang vụ mùa màng, nếu không được phép của triều đình. Những việc lớn huy động nhân công theo lệnh của triều đình, chính quyền hàng tỉnh chỉ được huy động nhân công cho việc nhỏ hoặc việc tu bổ. Số lượng nhân công huy động dựa trên số nội đinh của mỗi xã. Khi đi lao dịch, lý trưởng hoặc chức dịch xã phải dẫn đi. Mỗi nhân công được cấp một phương gạo/ 1 tháng (tương đượng 38 lít). Những người có việc bận có thể mướn người đi thay. Thuế tạp dịch lúc đầu là bắt buộc phải đi, về sau đổi lệ có thể nộp bằng tiền: mỗi năm 2 kỳ, mỗi kỳ 6 tiền. Đối với các dân tộc ít người ở vùng thượng du có thể nộp bằng hiện vật, như mật ong, sáp ong, trầm hương, ngà voi, sừng tê giác, hoặc bằng bạc nén.
Ngoài ra người dân còn phải nộp các khoảng tạp dịch khác như tiền mâm (phụ thu theo đầu người), tiền điệu, tiền cước mễ (thóc thu theo đầu người), tiền đầu lạt, tiền thập vật (tiền chi vật), tiền khoán khố (giấy tờ gửi kho), tiền sai dư (sai phái), tiền trước bạ, tiền dầu đèn, vv…
Nhà nước không trực tiếp thu thuế của dân mà phân phối cho từng làng xã, rồi làng xã tự phân bổ cho dân chúng. Hình thức này rất đáng chú ý vì “xã thôn tự nhiệm trước quyền hành của nhà vua và của những đại diện của nhà vua như là một tiểu cộng hòa khư khư giữ những quyền lợi để dánh đổi an ninh mà Hoàng đế đem lại…”[3]
Thuế đánh vào các hoạt động công thương có nhiều loại, chủ yếu là:
- Thuế hầm mỏ, nhà Nguyễn rất khuyến khích việc khai thác mỏ. Chủ mỏ chỉ cần xin phép và nộp thuế bằng sản phẩm đó theo giá được định trước. Ví dụ: tháng 10-1858, nhà Nguyễn cho phép Chu Triệu Kỳ (người Trung Quốc) khai thác mỏ vàng An Bảo ở Thái Nguyên với mức thuế 6 lạng vàng/ năm, tháng 5 – 1867 triều đình bãi bỏ lệnh cấm xuất cảng thiếc, cho chuyển thành lệ thu thuế xuất cảng thiếc với mức cứ 1000 cân nộp thuế 13 lạng bạc (tương đương 104 quan tiền/ 1000 cân). Do được triều đình khuyến khích nên các mỏ vàng, bạc, chí, đồng, kẽm, thiếc, vv… đã được khái thác khắp cả nước[4]. Riêng Nhà nước quản lý 139 hầm mỏ các loại, trong đó có 29 mỏ vàng, 15 mỏ bạc, 9 mỏ đồng.
Triều đình Tự Đức (1883) thống kê được 147 mỏ, trong đó có 38 mỏ vàng, 18 mỏ bạc, 37 mỏ sắt, 10 mỏ kẽm, 3 mỏ chí, 1 mỏ thiếc, 22 mỏ diêm tiêu, 2 mỏ lưu huỳnh, 2 mỏ châu sa.
- Thuế các hộ sản xuất thủ công, chế biến, thu lượm, từ tháng 11 – 1864, Nhà nước thu thuế hiện vật đối với các hộ xã dân làm nghề khác, ngoài nghề nông. Những xã có sản vật đặc biệt như trầm hương, quế, sâm, tôm, mực hoặc có nghề nghiệp truyền thống như: làm giấy, dệt lụa, dệt sa, chiếu, sơn, nấu dầu thảo mộc, đục đẽo đá, luyện sắt, đồng đỏ, đồng lá, vàng thếp, vải trắng v.v… thì nộp thuế biệt nạp, tức thu lượm, làm ra những sản phẩm gì thì nộp thuế bằng sản phẩm ấy. Ví dụ: làng La Khê phải nộp 5000 tấm sa/ năm; hai làng Yên Thế và Hồ Khẩu phải nộp 5000 tờ giấy/ người/ năm, làng trồng đay mỗi người nộp 3 kg vỏ đay v.v… Người nộp thuế gọi là biệt tính, được miễn binh dịch, tạp dịch và được nộp thuế thân bằng sản phẩm đặc biệt.
- Thuế thuốc phiện, trong các triều đại trước, việc hút thuốc phiện bị cấm ngặt, nhưng từ thàng 2 – 2865, Tự Đức bãi bỏ lệnh cấm hút thuộc phiện và bắt đầu đánh thuế thuốc phiện, bằng hình thức cho lĩnh trưng nộp thuế trên phạm vi cả nước, và thuế nộp của quan của thương nhân Trung Quốc (40 cân thuốc phiện nộp 1 cân)[5]
- Thuế cảng, từ tháng giêng 1866, định lệ thu các tàu thuyền nước ngoài cập bến các cửa bể để buôn bán, trước tiên ở Bắc Kỳ. Lúc đầu Nhà nước căn cứ vào kích thước và nơi sản xuất của tàu để đánh thuế[6] từ tháng 11 – 1866 Sở thuế quan, ở sông Cấm (Hải dương), đã có quy định về thu thuế cảng.
- Thuế quan tân, dánh vào hoạt động giao dịch thông thương qua các cửa ải, bến đò, khúc sông, chợ búa…, được căn cứ vào giá trị hàng hóa, thu bằng tiền, hoặc nửa bằng tiền, nửa bằng hiện vật.
- Thuế rượu, từ tháng 8 – 1866 bắt đầu thu ở 3 tình Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên và cho phép thương nhân Trung Quốc đứngra lĩnh chừng nộp thuế với mức 2500 quan/ 1 năm và quy định mức thuế ty là 1/ 40 như thuế thuốc phiện (cứ bán cho Nhà nước 40 lít phải nộp thuế 1 lít)[7]. Tháng 3 -1873, bắt đầu đánh thuế lò rượu ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, cứ lò lớn 40 quan tiền, lò nhỏ 30 quan.
- Thuế muối, từ tháng 12 – 1867 triều đình bắt đâu đánh thuế muối xuất cảng ở hai cửa khẩu Bình Định và Bình Thuận (Trung Kỳ) và đặt ty đánh thuế muối ở hai nơi đó. Loại thuế này sau đó áp dụng cho cả Bắc Kỳ.
- Thuế môn bài: tháng 11 – 1870 triều đình dự định đánh thuế môn bài đối với các thương gia Trung Quốc nhưng về sau triều đình lại không thi hành.
- Thuế nguồn đầm, áp dụng đối với những người sử dụng ao, hố, đấm, chắm (mặt nước) để đánh cá hay nuôi trồng thủy sản. Thuế này thu bằng tiền.
Như vậy, thời Nguyễn, do nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu nên thuế ruộng đất là chính, thuế gián thu chưa phải là nguồn lợi lớn cho nhà nước.
Phương thức thu thuế này còn mang tính cống nạp do địa phương thực hiện, vì vậy nhà nước thất thu nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm cho nền kinh tế - xã hội ta trì trệ, nguồn thu tài chính quốc gia bị kiệt quệ,làm cho nhà nước phong kiến Nguyễn không đủ tiềm lực kinh tế để chống đỡ trước họa xâm lăng của thực dân Pháp.




ß Trường CĐSP Yên Bái
[1] Trương Hữu Quýnh – Đỗ Bang: Tình hình ruộng đất nông nghiệp và đời sống nông dân dưới triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa, 1997
[2] Trương Hữu Quýnh – Đỗ Bang: Tình hình ruộng đất nông nghiệp và đời sống nông dân dưới triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa, 1997
[3] P.Pasquier (1907): L’Annam d’autrefois Challamel, Paris.
[4] Viện nghiên cứu tài chính: Lịch sử tài chính, tập 1, NXB Tài chính, 1995.
[5] Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858 – 1945), tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991
[6] Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858 – 1945), tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991
[7] Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858 – 1945), tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991

ĐỖ NHUẬN (1446 - ?)


Nhà thơ, Phó nguyên soái Hội Tao Đàn, người làng Kim Hoa, Kinh Bắc (Sóc Sơn, Hà Nội), thi đỗ Tiến sĩ năm 27 tuổi, làm quan dưới triều Lê Thánh Tông* đến chức Thị độc Viện Hàn Lâm, Đại học sĩ Đông các, Thượng thư Bộ Lễ. Đỗ Nhuận cùng với Thân Nhân Trung* là người nổi tiếng thơ văn đương thời. Năm 1483, vua Lê Thánh Tông sai ông cùng Thân Nhân Trung, Quách Đình Bảo, Đào Cừ, Đàm Văn Lễ soạn bộ Thiên Nam dư hạ tập gồm một trăm quyển chép về luật lệ, chế độ, điển lệ, văn thư, cáo sắc… Trong Hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông lập năm 1495, Đỗ Nhuận cùng Thân Nhân Trung là hai Phó Nguyên soái Tao Đàn.
Tác phẩm của ông còn lại một số bài thơ, bài bình văn ghi chép trong Hồng Đức Quốc âm thi tập.

L.V.N

PHÉP QUÂN ĐIỀN NĂM 1839 Ở BÌNH ĐỊNH – CHỦ TRƯƠNG VÀ CÁC BIỆN PHÁP


Th.s Phan Phương Thảoß
           


Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, quân điền đã thực hiện từ thời Lê sơ (thế kỷ XV). Năm 1830, theo đề nghị của Tổng đốc Bình Phú, Vũ Xuân Cẩn, vua Minh Mệnh tiến hành phép quân điền ở Bình Định, có một số điểm mới khác trước.
1. Về đề nghị hạn điền của Vũ Xuân Cẩn
1.1 Phân tích 24 địa bạ Bình Định năm 1839, chúng ta nhận thấy quy mô sở hữu ruộng tư của 24 thôn như sau:
Bảng 1: Quy mô sở hữu ruộng tư của 24 thôn

Quy mô sở hữu
Số chủ
Diện tích sở hữu
Số lượng
Tỷ lệ
Diện tích
Tỷ lệ
Dưới 1 mẫu
2645
83.36%
781.403.9.9.6
40.45%
1-3 mẫu
436
3.74%
684.8.14.4.08
35.45%
3-5 mẫu
68
2.14%
246.0.02.2.4.6
12.73%
5-10 mẫu
22
0.69%
148.2.05.1.4.2
7.67%
10-20 mẫu
1
0.03%
12.1.07.7.5.0
0.63%
Trên 50 mẫu
1
0.03%
59.1.12.4.6.2
3.06%

            Trong khi quân điền yêu cầu cắt bớt ruộng tư sung làm ruộng công chia cho bình dân, tạo điều kiện làm ăn sinh sống cho người nghèo không ruộng thì vẫn tồn tại 24 người có mức sở hữu > 5 mẫu.
            Xin lưu ý thêm rằng đây là 24 người có mức sở hữu ruộng tư >5 mẫu chứ không phải sở hữu ruộng đất tư 5 mẫu. Vậy đây có phải là những trường hợp đặc biệt ưu đãi công thần, thế tộc không? Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy rằng, phép quân điền 1839 kỳ hạn định sở hữu cao nhất là 5 mẫu ruộng.
            Trong đợt khảo sát hồi tháng 4/2002 tại Bình Định, chúng tôi đã đến tận các thôn, ấp có địa bạ được lựa chọn nghiên cứu và làm sáng tỏ được  một số giả thuyết nêu trên, góp phần cụ thể hóa việc thực hiện trên thực tế chính sách quân điền của Minh Mệnh.
            Kết quả khảo sát thực tế về dòng họ Võ ở Kim Tri đã giải quyết được những vướng mắc về 3 chủ tư điền khá giả nêu trên. Thôn Kim Trì Đông (hay Kim Đông) và Kim Trì Tây (hay Kim Tây) đều thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tuy cùng mang họ Võ song ở Kim Trì thực ra có hai họ Võ khác hẳn nhau: một họ Võ chính canh tại Kim Trì Tây, nay vẫn còn khá đông gia đình sinh sống ở Kim Tây. Họ Võ thứ hai ở Kim Trì là họ Võ của cụ Võ Cao Liêm, Võ Cao Minh (cùng là con trai của cụ Võ Huỳnh) và cụ Võ Tấn (hiện sống ở Quy Nhơn cùng con cháu). Họ Võ này vẫn còn giữ được gia phả cùng một số giấy tở liên quan đến việc chia ruộng đất cho con cái trong dòng họ. Theo lời kể của cụ Võ Cao Liêm (năm nay 71 tuổi, hiện sống tại Trì Sung, thôn Kim Tây, con trai của cụ Võ Huỳnh đã mất và hiện sống tại chính căn nhà của của Võ Huỳnh xưa và cũng là từ đường của họ Võ này) kết hợp với những tư liệu, gia phả của dòng họ thì họ Võ này không phải là những người chính canh của thôn Kim Trì, mà thực ra quê quán của họ là ở ấp tân Giản Thượng xưa, sau đổi thành thôn Tòng Giản. Tòng Giản là thôn ở gần thôn Kim Tây và cũng thuộc xã Phước Hóa, huyện Tuy Phước. Chính phái của họ Võ này còn con cháu sinh sống tại thôn Tòng Giản. Phái họ Võ sống ở Kim Trì là thứ phái.
            Theo gia phả, họ Võ này vốn gốc ở Nghệ An, là một họ lớn trong vùng. Ông Võ Văn Thành, con ông Võ Quyền, là thủy tổ của phái họ Võ vào lập nghiệp ở đất Bình Định, cư trú tại thôn Nhạn Tháp. Đời thứ hai, ông Võ Văn Phú ( con trai ông Võ Văn Thành) từ Nhạn Tháp (Đập Đá) về sinh cơ lập nghiệp ở thôn Tòng Giản. Từ đó, chính phái của họ Võ này vẫn sinh sống ở Tòng Giản. Đến đời thứ năm là ông Võ Văn Diệu hôn phối cùng bà Nguyễn Thị Huệ sinh hạ hai người con trai là Võ Văn Thăng và Võ Văn Triều[1].
            Tương truyền họ Võ có người tham gia phong trào Tây Sơn và theo gia phả, ông Thăng là tướng của Tây Sơn, tước là Chiếm hầu Bình Nam. Sau khi Tây Sơn thất bại, ông rời Tòng Giản chuyển sang Kim Trì khai hoang và là người tổ của phái Họ Võ tại Kim Trì.
            Ông Thăng kết duyên cùng bà Đinh Thị Đạt và có 5 người con, 1 trai và 4 gái: Võ Thị Vạn, Võ Văn Thuyên, Võ thị Điển, Võ Thị Khuê và Võ Thị Thân. Dòng họ này tuy là phụ canh ở Kim TRì nhưng lại là một trong những dòng họ tiền hiền có công khai phá miền đất này. Theo cụ Liêm cho biết, mặc dù là một trong những họ tiền hiền của Kim Trì nhưng họ Võ của cụ không nhận làm người chính anh của Kim Trì vì phái của dòng họ cụ vẫn cho mình là người quê Tòng Giản. Thậm chí, cho đến bây giờ, các cụ vẫn cho mình là người quê Tòng Giản, chỉ làm ăn sinh sống ở Kim Trì, vẫn tự coi mình là người phụ canh ở Kim Trì.
            Là một trong những dòng họ tiền hiền khai phá vùng đất Kim Trì nên họ Võ có rất nhiều ruộng đất tư hữu, tới hàng trăm mẫu. Đến nay trong nhân dân vẫn còn lưu truyền tên gọi một số xứ đồng mà khi xưa vốn là sở hữu của những người thuộc dòng họ Võ, như Gò Chòi, đám Vỡ, đám Ao, xứ mạ, đập Phù Gia lấy nước sông Côn tưới cho đồng ruộng ba thôn Kim Trì, Kim Xuyên, Hữu Thành, tương truyền do ông Võ Văn Thăng đắp.
            Cũng theo lời kể của cụ Võ Văn Liêm, kết hợp với một số tư liêu về ruộng đất của dòng họ Võ này lưu giữ được cho biết, khi xưa cụ Thăng chia ruộng đất cho con cái rất đều, con gái cũng được phần như con trai, mỗi người được 10 mẫu ruộng, riêng con trai trưởng thêm 5 mẫu làm ruộng thế tự.
            Trong địa bạ Kim Trì lập năm 1815 đã tìm thấy tên 4 người con của ông Võ Văn Thăng trong danh sách các chủ sở hữu ruộng tư của địa bạ, thậm chí có người có cả đất tư, mức sở hữu của họ như sau:
1.      Võ Văn Thuyên 16.5.06.1.2.7     
2.      Võ Thị Khuê 10.1.03.5.0.0
3.      Võ Thị Điển 10.0.06.4.4.2
4.      Võ Thị Thân 15.1.13.5.0.0
Những tư liệu của dòng họ Võ kết hợp với số liệu trong đại bạ cho phép biết được nguyên nhân vì sao những họ Võ “phụ canh” ở Kim Trì lại có mức độ sở hữu ruộng tư vượt trội hơn hẳn các chủ tư hữu khác trong ấp. Và cũng dễ hiểu mấy anh em ông Võ Văn Thuyên sau khi được cha ( ông Võ Văn Thăng) chia cho một số ruộng ban đầu khoảng 10 mẫu, họ còn tiếp tục khai phá, mở mang thêm phần sở hữu của mình, có thể lên tới cả trăm mẫu ruộng. Điều này cũng hoàn toàn có thể giải thích được lý do tại sao sau quân điền năm 1839 của Minh Mệnh, 3 anh em họ Võ “phụ canh” kể trên ở Kim Trì vẫn có mức sở hữu hơn 5 mẫu ruộng, thậm chí ông Võ Văn Thuyên có tới gần 60 mẫu, thì theo nguyên tắc nhà nước sung công một nửa ruộng tư thì sở hữu của ông Võ Văn Thuyên trước quân điền là xấp xỉ 120 mẫu ruộng.
Từ thực tế trên, có thể kết luận, quân điền năm 1839 không có hạn định mức sở hữ tối đa là không quá 5 mẫu.
1.2 Chủ trương quân điền 1839 ở Bình Định ghi rõ rằng, đối với các thôn, ấp nằm trong diện quân điền thì “ruộng tư cắt lấy một nửa” và “ruộng tư, tuy là ruộng công thần, thế tộc cũng bị cắt lấy một nửa”. Từ đây có thể suy ra quân điền không chỉ yêu cầu sung công một nửa diện tích ruộng tư của cả thôn nói chung mà cắt đều ½ ruộng của từng chủ sở hữu vì đến ruộng công thần, thế tộc còn bị “cắt lấy một nữa”
Qua số liệu thống kê của 14 đại bạ cho thấy:
- Phép quân điền được thực hiện triệt để tới từng thôn của Bình Định nằm trong diện phải quân điền. Trên bình diện một thôn ấp hay toàn tỉnh Bình Định, sau khi điều chỉnh lại ruộng đất công và tư theo chính sách quân điền, tới thời điễm làm lại địa bạ 1839 sau quân điền, tỷ lệ công điền ở 24 thôn đã chiếm tới 46,98% tổng diện tích công tư điền thổ, trong tương quan tư điền là 47,39%. Nếu so sánh cụ thể diện tích công điền và tư điền trong từng thôn (trong số 24 thôn) thì thấy, hai loại ruộng này nếu có chênh lệch nhau thì cũng chỉ vài mẫu trên tổng số hàng chục, hàng trăm mẫu ruộng, trong đó: có thôn thì công điền lớn hơn tư điền, song thôn khác công điền lại nhỏ hơn tư điền; cũng có thôn diện tích công và tư điền bằng nhau. Vì vậy, khi cộng từng phần diện tích công điền, tư điền thì tổng diện tích công điền so với tư điền của 24 thôn chênh lệch nhau chưa tới 1%, và sai số này cho phép nói rằng tỷ lệ công và tư điền được phân bố lại quân điền là bằng nhau. Kết quả nghiên cứu của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu cu4ngcho biết tỷ lệ ruộng đất toàn tỉnh Bình Định năm 1839 (sau quân điền): ruộng tư chiếm 47,83% trong tương quan công điền sở tại chiếm 52,17%[2].
- Quân điền đụng chạm tới sở hữu của từng chủ ruộng tư. Thật vậy, sau quân điền, mức sở hữu bình quân (0.6.01.3.2.8) của các chủ ruộng này chỉ còn bằng xấp xỉ một nửa mức sở hữu trước quân điền (1.1.09.7.10)[3] không phân biệt chủ sở hữu là nam hay nữ, chính canh hay phụ canh. Điều này chứng tỏ ruộng tư của từng chủ sở hữu đều bị cắt đi một nửa thì mức sở hữu bình quân mới giảm đi xấp xỉ ½. Hơn nữa, trong bảng 1 thống kê về quy mô sở hữu ruộng đất tư ở 24 thôn đã cho biết, hơn 99% số chủ ruộng có sở hữu < 5 mẫu ruộng. Nếu quân điền chỉ sung công ruộng của những người có sở hữu >5 mẫu ruộng tức là phần ruộng của số chủ này không bị sung công. Trong khi đó, tổng diện tích ruộng mà hơn 99% số chủ có sở hữu <5 mẫu chiếm giữ là 88,63% tổng diện tích ruộng tư, hay nói cách khác, 88,63% ruộng tư không bị sungco6ng. Và như vậy, chỉ còn hơn 11% diện tích ruộng tư củ 24 chủ ruộng có sở hữu >5 mẫu bị sung công thì dù áp dụng cách cắt ruộng nào đi nữa, thậm chí, cắt đi toàn bộ ruộng của những người này cũng vẫn không đủ 50% số ruộng tư phải sung công như chủ trương quân điền đã đề ra.
Thêm nữa, với giả thiết những chủ sở hữu trùng cả tên họ và quê quán (cả chính canh cũng như phụ canh) trong địa bạ của mỗi thôn, ấp tại hai thời điểm có địa bạ là một người, khi đối chiếu danh sách các chủ ruộng tư trong 24 cặp địa bạ cho thấy có 210 chủ trùng tên. Trong số các chủ trùng tên này, có những người chỉ sở hữu vài sào, thậm chí vài thước ruộng trước quân điền, đến sau quân điền, mức sở hữu của họ chỉ còn lại một nửa so với trước quân điền.
Qua những phân tích trên cho thấy, việc thu75chie65n quân điền ở Bình Định trên thực tế là sung công một nửa ruộng tư của mọi chủ sở hữu, kể cả sở hữu lớn và sở hữu nhỏ ở tất cả các thôn, ấp có công điền nhiều hơn tư điền, và cũng không hạn điền 5 mẫu như đề xuất của Vũ Xuân Cẩn năm 1838. Nhận xét rút ra từ phân tích địa bạ này hoàn itoan2 phù hợp với sớ tấu của bộ Hộ đã được sáu bộ họp bàn và vua Minh mệnh chuẩn y.
2. Cách cắt ruộng tư sung làm ruộng công
Việc thực hiện quân điền trên thực tế ở từng thôn, ấp của Bình Định rất đa dạng, phong phú, phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của từng thôn, ấp, mỗi nơi có cách làm khác nhau, miễn sao có thể đáp ứng được chủ trương chung của Minh Mệnh đề ra là sung công một nủa tư điền. Ở đây, chúng tôi xin nêu ra một vài cách chia ruộng đã được áp dụng ở các thôn, ấp trong 24 thôn, ấp lựa chon nghiên cứu:
* Đối với thôn vốn có quan điền, nay gộp với tư điền sung làm công điền, như Kiên Mỹ.
            * Đối vớ một số thôn khác, như Kim Trì, theo lời kể của Võ Cao Liêm (xóm Trì Sung, thôn Kim Tây, xã Phước Hòa, huyện tuy Phước), việc xung công , chiết cấp tư điền đời Minh Mệnh được ông, cha cụ kể lại rằng: trước quân điền, Kim Trì không có ruộng công, toàn ruộng cả thôn là tư điền, nên khi quân điền, lấy đường mương ở giữa thôn là con đường đi qua Gò Chòi (nơi dùng để phơi lúa mới gặt ở giữa cánh đồng) làm vạch ranh giới, cắt đôi toàn bộ ruộng của thôn, còn phía bên phải đường mương là tư điền. Đường mương được dùng làm đường phân cách hai khu công điền và tư điền của Kim Trì.
            * Lại cũng có nơi, như thôn Châu Thành, huyện An Nhơn, nay thuộc xã Nhơn Thành, việc chia ruộng theo phép quân điền diễn ra hoàn toàn khác với hai thôn trên. Theo lời kể của một số cụ, thì tất cả các chủ ruộng tư trong thôn đều phải chiết cấp một nửa số ruộng của mình sung làm ruộng công. Tuy vậy, khi sung công chiết cấp, họ cắt nộp những đám ruộng xa nơi ở, giữ lại ruộng gần.
            * Theo lời kể của cụ Võ Chiêu (82 tuổi, hiện sống ở đội 15, xóm Tân Hòa, thôn An Ngãi, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn) thì cách chiết cấp tư điền sung công của An Ngãi khi xưa lại khác 3 cách nêu trên. Ở An Ngãi vẫn còn lưu truyền trong dân gian rằng phép quân điền thời Minh Mệnh là “ngất bán vi công, nhất bán vi tư” và tất cả các thửa ruộng, có tình tới thượng đẳng, đều bị cắt đôi để một nửa sung công. Như vậy, sau quân điền, ruộng công và tư trong thôn nằm xen kẽ nhau, rất tản mạn, manh mún. Vì vậy, để thuận tiện cho việc canh tác và đi lại của các chủ sở hữu ruộng tư, sau quân điền đã có hiện tượng xáo canh, tức là nội bộ những người trong thôn có thể trao đổi với nhau quyền sở hữu các đám ruộng tương đượng về diện tích và đẳng hạng.
            3. Cách chhia ruộng công và hệ quả của nó ở Bình định
            3.1 Cách chia ruộng công theo lương điền, khẩu phần
            Phép quân điền 1839 của Minh Mệnh chỉ thực hiện ở tỉnh Bình Định với mục đích trước tiên, quan trọng nhất là quân bình lại tỷ lệ ruộng công và tư trong toàn tỉnh, sau đó mới là chia ruộng công cho quan lại, binh, dân theo khẩn phần. Mục đích thứ nhất đã được thực hiện, còn mục tiêu thứ hai chưa có các định lệ cụ thể về việc qua6b cấp ruộng công. Sách Đại Nam thực lục cho biết, sau quân điền, Minh Mệnh truyền dụ nội các rằng “Nay sổ sách đã xong, khá truyền dụ cho Tổng đốc Tôn Thất Lang sức khắp cho dân hạt, phàm những ruộng tư cắt lấy một nửa sung công, tháng đông này hãy chuẩn cho chủ ruộng cũ được cày cấy, chờ vụ hạ sang năm thu hoạch, liền chiểu theo điền thổ công, tư trong sổ mới, quân cấp cho mọi người cày cấy nộp thuế”[4]. Như vậy, trên thực tế, quân điền đã hoàn thành nhưng chỉ mới hoàn tất trên sổ sách, trong đó có địa bạ, ghi lại những thay đổi về ruộng công và tư sau khi sung công một nửa tư điền, song trên thực tế, vẫn cho chủ cũ tiếp tục cày cấy trên phần ruộng đã bị sung công trong vụ đông năm đó (1839), cho đến khi thu hoạch xong vụ hè năm sau (1840), mới quân cấp cho mọi người[5]. Đồng thời, tháng 6 năm 1840, Minh Mệnh ban hành phép quân điền mới, quy định khẩu phần cụ thể trong viên quân cấp ruộng đất công cho các hạng binh, dân, áp dụng trong cả nước, kể cả Bình Định. Vì vậy, có thể hiểu rằng quân điền 1839 tiến hành rất nhanh chóng trong vòng 3 tháng cuối năm 1839 nên chỉ kịp sung công 1/2 tư điền làm công điền, lập địa bạ mới, còn việc chia cấp công đi6èn cho các hạng quan lại, binh, dân thì trên thực tế phải tới giữa năm 1840 mới thực hiện được theo quy định chung của quân điền 1840 đối với ruộng đất công trong cả nước.
            Phép quân điền 1840 ghi rõ, ruộng đất trước tiên dành cấp lương điền cho lính theo mức quân cấp như năm Minh Mệnh 17 (1836) đã ban hành, còn lại mới chia cho “quan lại, binh thợ, các hạng dân thực nạp, biệt nạp không cứ phẩm trật hơn kém, mỗi người đều được cấp cho một phần khẩu phần. Lão nhiêu, lão hạng, phế tật, đốc tật đều chiếu sổ một phần ấy chia làm 2 thành, cấp cho mỗi người 1 thành; con mồ côi, đàn bà góa đều chiểu sổ một phần ấy cho làm 3 thành, mỗi người cấp cho một thành…”
            Theo định lệ chia khẩu phần làm lương điền cho lính vào tháng 11 năm 1836 (Minh Mệnh 17) thì “…việc quân cấp số ruộng, xin cứ tùy theo sự sai phái công việc nhiều hay ít mà khác nhau, trung bình mỗi người lính được 8 sào ruộng, không kể ruộng khẩu phần”[6]
            Theo những ghi chép trong Đại Nam thực lục, không có số liệu về dân số cả nước nhưng lại có sổ đinh, ghi chép lại đinh cả nước, của từng tỉnh trong một số năm. Theo đó, số đinh ở Bình Định vào một số năm nửa đầu thế kỷ XIX như sau:
-          Năm 1819 có 33.330 người[7]
-          Năm 1829 có 39.965 người[8]
-          Năm 1847 có 52.110 người[9]
            Áp dụng phương pháp phân tích theo thời gian, kết hợp với các số liệu về dân đinh của Bình Định tại 3 thời điểm nêu trên, có thể ước tình được số đinh của Bình Định vào năm 1839 là khoảng 46.600 người.
            Trên cơ sở số dân đinh của các tỉnh, triều đình lựa tuyển binh linh. Số lính được tuyển tính theo tỷ lệ dân đinh của mỗi tỉnh “từ tỉnh Quảng Bình trở vào nam đến Bình Thuận, 3 dân đinh kén lấy một (lính)”[10]. Như vậy, số lính của Bình Định phải tuyển chiếm tỷ lệ 1/3 số đinh, tức là khoàng 15.533 người. Theo số liệu của Souvinget thì vào năm 1839, Bình Định có 15.000 lính[11]. Tuy tác giả không ghi xuất xứ nhưng hai con số trên không cách xa nhau lắm.
            Kết hợp các nguồn tư liệu trên cho thấy, số lính của Bình Định vào thời điểm 1839 không ít hơn 15.000 ngườ. Số đinh kho6ngit1 hơn 45.000 người. Như vậy, phần ruộng dùng làm lương điền cho lính ít nhất là (8 sào x 15.000 người = 12.000 mẫu ruộng). Số ruộng này lấy từ tổng diện tích công điền khi đó là 40.000 mẫu ruộng. Vậy quỹ công điền của Bình Định chỉ còn (40.000 mẫu – 12.000 mẫu = 28.000 mẫu ruộng) sau khi đã trừ phần lương điền cho lính. Phần ruộng còn lại này được chia thành khẩu phần cho quan lại, binh, thợ và các hạng dân theo thể lệ quân điền năm 1840.
            Chúng ta không có số liệu chính xác về các hạng quân, dân, lính, thợ cũng như lão nhiêu, phế tật, con côi, quả phụ của Bình Định vào các năm 1839, 1840. Tuy nhiên, tham khảo tháp dân số ở nước ta trong một số năm[12] cho thấy, theo quy luật chung thì số nam xấp xỉ nữ. Số đinh (tức nam giới, tính từ 18 tuổi trở lên đến 55 tuổi) cũng xấp xỉ số nữ tuổi từ 28 đến 55. Ngoài ra, ngưới già, phế tật, quả phụ, con côi ước tính khoảng ½ số đinh.
            Số quan lại văn võ ở Bình Định thì phần lớn là người ngoài tỉnh, số quan lại người Bình Định không có là bao.
            Trên cơ sở những ước đoán này, chúng tôi thấy có thể tính như sau:
            - Số quan lại, quân lính, và các hạng dân (thực nạp, biệt nạp) làm nghĩa vụ cho nhà nước = số đinh = 45.000 người, mỗi người được chia một khẩu phần. Vậy cần 45.000 khẩu phần.
            + Lão nhiêu, lão tật, phế tật chiếm ½ tức 11.250 người, mỗi người được ½ khẩu phần. Cả thảy cần (11.250: 2 = 5.625 khẩu phần).
            + Con mồ côi, đàn bà góa cũng chiếm khoảng ½ tức 11.250 người, mỗi người được 1/3 khẩu phần. Cả thảy 11.250 : 3 = 3.750 khẩu phần)
Vậy tổng số khẩu phần dự chia là (45.000 + 5.625 + 3.750 = 54.375). Tính ra, mỗi khẩu phần được (28.000 : 54.375) = 5 sào 2 thước ruộng )[13].
            Như vậy, dân đinh được 5 sào 2 thước; lão nhiêu, phế tật được khoảng 1 sào 13 thước (1/3 khẩu phần). Trong khi đó mỗi binh lính nhận khoảng 1 mẫu 3 sào 2 thước (8 sào lương điền + 5 sào 2 thước khẩu phần), gấp hơn 2 lần khẩu phần của một dân đinh.
            3.2 Quyền lợi do quân điền mang lại và hệ quả của nó ở Bình Định
            * Đối với các hạng quan lại, binh, dân ở Bình Định
            Với thực trạng tình hình ruộng đất ở Bình Định và với cách chia ruộng công theo phép quân điền 1840 thì binh lính là có lợi nhất. Ngoài ra, đối với một số ít nông dân không có ruộng tư nay được chia hơn 5 sào ruộng công là một khoản lợi đáng kể. Tuy nhiên, đại bộ phận nông dân có mức sở hữu nhỏ, trên dưới một mẫu ruộng tư trước quân điền, nay tho phép quân điền phải sung công điền một nửa số ruộng của mình (tức là khoảng trên dưới 5 sào ruộng), rồi lại được chia hơn 5 sào ruộng công. Như vậy, tổng diện tích ruộng mà những người nông dân này cày cấy vẫn xấp xỉ 1 sào ruộng, nhưng trên thực tế, họ chỉ được sở hữu một nửa số ruộng đó, phần còn lại là ruộng công của làng xã. Bên cạnh đó, do nhận ruộng công làng xã nên dân đinh sẽ phải đóng thuế đnh và làm nhiều nghĩa vụ đối với nhà nước vì nhận ruộng khẩu phần này.
            Cách chia ruộng công như nguyên tắc trên là nguyên tắc chung áp dụng cho các địa phương trên cả nước. Trong thực tế, việc chia công điền đã thực hiện hư thế nào? Các hào lý, chức dịch của từng làng, thôn dựa trên cơ sở định mức, khẩu phần chuẩn do nhà nước áp đặt mà đề ra nguyên tắc phân chia cụ thể cho làng, thôn của mình. Nói cách khác quyền quyết định thửa ruộng nào cấp cho binh linh, thửa ruộng nào dành cho dân, cho người tàn tật, cô nhi, quả phụ thực tế nằm trong tay tầng lớp chức sắc trong làng.
Ở Bình Định, có các thôn đã đưa ra cách chia ruộng công bằng hình thức bốc thăm (như đã trình bày) là một cách chia tỏ ra khá công bằng, thế nhưng vẫn có kiện cáo, tranh giành ruộng đất kéo dài tới hơn một năm sau (như ở thôn Châu Thành). Tính ra hơn nửa năm (cuối năm 1839 đến tháng 6 năm 1840) sau khi thi hành quân điền ở Bình Định, Minh Mệnh đã ban hành phép quân điền đối với toàn bộ ruộng đất công trongca3 nước, và cũng chỉ khoảng hơn nửa năm tiếp theo, sau khi áp dụng quân điền mới này, đến tháng 2 năm Tân Sửu, Thiệu Trị năm thứ nhất (1841), ở Bình Định đã có hơn 300 lá đơn của dân khiếu kiện về việc ruộng đất ít nhiều, tốt xấu không đều nhau[14]. Tổng đốc Bình Định bấy giờ là Đặng Văn Thêm đề nghị chia lại ruộng lần nữa và phải chữa lại địa bạ nhưng Thiệu Trị cho rằng cần châm chước, không nên thay đổi tất cả,làm cho rối ren náo động phiền nhiễu thêm lần nữa. Vì vậy, nhà vua đã cử hai quan khoa đạo là Đặng Quốc Lang và Mai Khắc Mẫn đến Bình Định xem xét sự việc cụ thể, Hai viên quan này đến nơi “đầu tiên trích ra những việc gì không thiệt hại lắm, phê bác đơn đi, còn thì đều lấy lời hiếu thảo”, tùy việc phân xử, dân mới không thưa kiện nhau nữa[15]. Khi trở về Huế, hai ông này được nhà vua khen là làm được gọn việc. Sau đó, việc kiện cáo của dân trong một thời gian không thấy ghi chép trong sử biên niên triều Nguyễn, nhưng đến tháng 1 năm Nhâm Tý, Tự Đức năm thứ 5 (1852), những vụ lộn xộn lại bùng phát ở Bình Định, nên Tự Đức có ý định chia lại ruộngđất công và tư theo tỷ lê 4-6 thay vào chia đều 5-5 như trước[16]
* Đối với nhà nước
Với việc thu75chie65n quân điền năm 1839, Minh Mệnh đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu các loại hình sở hữu ruộng đất ở Bình Định, làm cho tỷ lệ ruộng công sau quân điền gia tăng đáng kể, chiếm tỷ lệ xấp xỉ ruộng tư trên bình diện chung toàn tỉnh cũng như trong từng thôn, ấp. Như vậy, quân điền 1839 của Minh Mệnh đã góp phần tăng cường và mở rộng đất công của làng xã, cũng cố quyền sở hữu tối cao của nhà nước về ruộng đất.
Nhưng xét về khía cạnh kinh tế, việc quân điền ở Bình định đã mang lại những lợi ích gì cho nhà nước? Có lẽ không đáng kể bởi vì ở Bình Định cũng như đất Đàng Trong cũ, thuế ruộng công và ruộng tư ngang nhau nên có tăng thêm ruộng công thì thuế cũng không tăng lên được. Trong khi đó, thuế quan điền cao hơn công tư điền, nên khi chuyển quan điền thành côngđiền thì tổng thuế ruộng đất thu được thấp hơn trước. Tuy nhiên, thuế thân lại không như thế. Từ năm 1832, Minh Mệnh đã đổi định lệ thuế thân cho dân cả hạt Quảng Bình trở vào Nam, không phân biệt khách hộ và chánh hộ như trước mà tất cả đều gọi là tráng hạng. Theo lệ thuế này  “các hạng quan, dân, cố, cùng đều làm tráng hạng. Tráng hạng có ruộng công thì mỗi năm nộp thuế 1 quan 4 tiến; không có ruộng công, 1 quan 2 tiền; tiền lỗi đầu mỗi hạng đều 1 tiền. Dân đinh già ốm thu một nửa. Quan viên tử cũng như tráng hạng[17]. Như vậy, người nhận công điền cày cấy phải đóng thuế đinh cao hơn người không cày ruộng công. Nay đem quân điền quân cấp cho mọi người thì tất nhiên số đinh thu được sẽ cao hơn”…nói đại lược so ra thì thuế điền ít đi, thuế đinh nhiều ra. Vì từ trước tới giờ, các tỉnh trở vào nam, mức thuế công điền ngang bằng thuế ruộng tư, duy có thuế ruộng nhà nước (quan điền) thì cao hơn thuế ruộng công. Nay ruộng nhà nước đã chuyển làm ruộng công thì ngạch ruộng công tuy có tăng lên, nhưng số thuế thu nhập lại thấp đi. Dân xã sở tại trước kia thuế thân ngưới có ruộng công cao hơn thuế người không có ruộng công; nay đã đem ruộng công quân cấp, thì dân trong sổ ai cũng có ruộng, cho nên có giảm mất số thuế ruộng nhà nước, nhưng thuế dân đinh lại tăng lên[18]. Nhưng nguồn lợi này không phải là mong muốn của Minh Mệnh khi thực hiện quân điền ở Bình Định “phép quân điền là vốn muốn chia lợi cho dân chứ thuế hơn hay kém đi không phải là điều đáng so tính”[19]. Và trên thu75cte61 “ích cho nước không được mấy”[20] (như vua Tự Đức đã nhận xét năm 1852).
Như vậy, trên thực tế, cách chia ruộng theo quân điền 1840 là có lợi nhất đối với binh lính của triều đình và một số ít những người nghèo không có ruộng tư. Còn lại, tất cả các chủ ruộng tư, đều bị thiệt thòi do cách chia ruộng của quân điền 1840. Nhà nước cũng không được lợi bao nhiêu theo cách chia ruộng này.




ß Đại học QGHN
[1] Về thế thứ các đời, giữa gia phả và lời kể của cụ Võ Cao Liêm có chỗ chưa khớp nhau. Gia phả mang tên Võ tộc thế gia phổ, bản chữ Hán, chép Võ Văn Thanh thuộc đời thứ sáu, con ông Võ Văn diệu và bà Nguyễn Thị Huệ. Trong gia phả, cha ông Võ Văn Diệu là Võ Văn mẫn lại bị xóa (?). Theo cụ Võ Cao Liêm thì ông Võ Văn Diệu thuộc đời thứ ba, còn ông Võ Văn Phú, cháu gọi ông Võ bằng ông. Đây là một vấn đề cần xác minh thêm và rất có thể vì liên quan đến Tây Sơn nên gia phả chép vào đời Nguyễn đã cố tình che giấu.
[2] Đây là số liệu tổng hợp của 648 thôn Bình định còn lưu giữ được địa bạ, trong đó có một số thôn có công điền nhiều hơn tư điền (không nằm trong diện phải quân điền) khiến cho tỷ lệ công điền lớn hơn tư điền 4,34% là hoàn toàn lý giải được.
[3] Mức sở hữu bình quân của một chủ ruộng tư theo thống kê trong 24 địa bạ Bình Định năm Gia Long 14 (1815)
[4] Đại Nam thực lục chính biên, sđd, tập XXI, tr. 260
[5] [5] Đại Nam thực lục chính biên, sđd, tập XXI, tr. 260
[6] Đại Nam thực lục chính biên, sđd, tập XVIII, NXB KHXH Hà Nội 1967, tr. 328-329
[7] Đại Nam thực lục chính biên, sđd, tập VI, NXB KHXH Hà Nội 1963, tr. 396
[8] Đại Nam thực lục chính biên, sđd, tập XI, NXB KHXH Hà Nội 1964, tr. 243
[9] Đại Nam thực lục chính biên, sđd, tập XXVII, NXB KHXH Hà Nội 1971, tr. 285
[10] Đại Nam điển lệ toát yếu, Nguyễn Sĩ Giác dịch, Đại học luật khoa Sài Gòn xuất biên, Sài Gòn 1962, tr. 445
[11] R.P. Souvinget. Apercu historique sur le partage des rizières de Binh Dinh en rizières communes et en rizières particulieres (Đại cương lịch sử việc phân chia ruộng đất ở Bình Định thành ruộng công và ruộng tư), Revue Indochinoise (Tạp chí Đông Dương), 1900, số 87, tr. 596-598.
[12] Ban chỉ đạo điều tra dân số Trung ương. Tập bản đồ dân số Việt Nam. H. 1991, tr. 70. Tổng cục thống kê; phân tích kết quả điều tra mẫu, NXB tổng cục thống kê, H. 1991, tr. 10-11. Tổng cục thống kê; Niên giám thống kê năm 2001, H. 2001.
[13] Ban chỉ đạo điều tra dân số Trung ương. Tập bản đồ dân số Việt Nam. H. 1991, tr. 70. Tổng cục thống kê; phân tích kết quả điều tra mẫu, NXB tổng cục thống kê, H. 1991, tr. 10-11. Tổng cục thống kê; Niên giám thống kê năm 2001, H. 2001
[14] Nếu sử dụng số liệu dânđinh của Bình Định theo cách tính của chúng tôi là 46.000 người và áp dụng cách tính số lính, số cô nhi, quả phụ, lão nhiêu, đốc tật…như trên thì tổng số khẩu phần dự chi sẽ la 56208 và mỗi khẩu phần được xấp xỉ 5 sào ruộng. Sai lệch về mỗi khẩu phần chỉ có 2 thước ruộng, hoàn toàn không làm thay đổi những nhận xét nêu trong bài viết.
[15] Đại Nam thực lục chính biên, tập XXIII, NXB KHXH, H 1970, tr. 107
[16] Đại Nam thực lục chính biên, tập XXIII, NXB KHXH, H 1970, tr. 108
[17] Đại Nam thực lục chính biên, tập XXVII, tr. 336
[18] Đại Nam thực lục chính biên, tập XI, NXB KHXH, H 1964, tr. 187
[19] Đại Nam thực lục chính biên, sđd. Tập XXI, tr. 260
[20] Đại Nam thực lục chính biên, sđd. Tập XXI, tr. 260