Monday, February 29, 2016

BÙI THỊ XUÂN (? – 1802)

Nữ tướng triều Tây Sơn, cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, vợ của danh tướng Trần Quang Diệu*, người làng Phú Xuân, xã Bình Phú, quân Bình Khê, (Tây Sơn, Bình Định). Từ nhỏ, Bùi Thị Xuân học võ nghệ với Đô thống Ngô Mạnh, khi trưởng thành, cùng Trần Quang Diệu tham gia rất sớm phong trào Tây Sơn, lập được nhiều công trạng do lòng can đảm, có tài về binh bị và chiến thuật. Khi nhà Tây Sơn suy yếu, thành Phú Xuân bị Nguyễn Ánh chiếm được, Bùi Thị Xuân phò vua Cảnh Thịnh ra Nghệ An rồi tự đốc xuất 5.000 binh sĩ chống giữ, ngăn chặn quân Nguyễn ở lũy Trấn Ninh. Tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1802), được tin thủy quân Tây Sơn thất trận ở Nhật Lệ, Bùi Thị Xuân mới rút quân. Lúc bấy giờ Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng không duy trì được thành Qui Nhơn nữa, phải rút quân về Nghệ An để gặp vua Cảnh Thịnh, nhưng đi giữa đường, ai tướng đã nghe tin Nghệ An bị thất thủ. Bùi Thị Xuân cùng chồng lui quân về huyện Thanh Chương được vài hôm thì bị quân Nguyễn bắt. Trần Quang Diệu bị xử tội lột da, còn Bùi Thị Xuân và cô con gái độc nhất 15 tuổi vị xử voi giày. Trong quyển ký sự “Relations sur le Tonkin et la Cochinchine” (7-1802), giáo sĩ La Bissachère kể lại lời một con chiên đã mục kích cảnh tại pháp trường: khi thấy voi tiến lại gần, con gái của Bùi Thị Xuân sợ hãi kêu lên: “Mẹ ơi cứu con với”, Bùi Thị Xuân trả lời: “Thôi con ạ, thà chết cùng cha mẹ còn hơn là sống với bọn này”. Đến lượt mình bà không chút sợ hãi, tiến lên trước mặt con voi, voi lùi lại, đao phủ phải cầm giáo chọc nó mới quặp lấy bà và tung lên trời. Trước lúc chịu bị hành hình, nữ tướng đã lấy lụa quấn chặt quanh người, dưới lớp quần áo ngoài để tránh cho thi thể khỏi bị lõa lồ khi bị voi giày. Theo truyền thuyết, bọn đao phủ do muốn được can trường như Bùi Thị Xuân, đã cắt tim, gan, thị ở cánh tay của bà mà ăn sống.

Y.T.


Sunday, February 28, 2016

BÙI HỮU NGHĨA (1807 – 1872)

Nhà thơ, làm quan triều Nguyễn, tên là Bùi Quang Nghĩa, hiệu Nghị Chi, quê ở thôn Long Tuyền, phủ Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc Cần Thơ, Hậu Giang). Bùi Hữu Nghĩa sinh trưởng trong một gia đình ngư dân, nhờ có người đỡ đầu nên ông được theo học cụ Đỗ Hoành, một nhà nho nổi tiếng hay chữ ở Biên Hòa. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), Bùi Hữu Nghĩa đậu Giải nguyên trong kỳ thi Hương ở Gia Định, vì thế được gọi là Thủ khoa Nghĩa, được bổ làm Tri phủ ở Phúc Long, sau đó bị giáng xuống làm Tri huyện Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long. Do tính tình thanh liêm cương trực, Bùi Hữu Nghĩa không được lòng quan trên vốn ưa hà lạm. Có một lần do bênh vực nông dân và ngư dân về vấn đề miễn thuế ở rạch Láng Thé (vốn rạch này bị bọn quan trên thu thuế trong khi trước kia vua Gia Long có ban chiếu miễn thuế thủy lợi ở rạch này), Bùi Hữu Nghĩa bị vu là “xui dân nổi loạn” nên bị giam và kết án tử hình. Vợ của Bùi Hữu Nghĩa lặn lội ra triều đình Huế đánh trống kêu oan cho chồng nên Bùi Hữu Nghĩa được tha tội chết, song bị giáng chức xuống làm Thủ ngữ, coi đồn Vĩnh Thông ở Châu Đốc. Sau ông chán cảnh nhiễu nhương, loạn lạc nên lui về dạy học và tham gia phong trào Văn Thân chống Pháp từu năm 1868.
Bùi Hữu Nghĩa từng nổi tiếng là một trong những người làm thơ hay nhất Lục tỉnh Nam Kỳ. Dân gian có câu:
“Đông Nai có bốn rồng vàng
Lộc hoa, Lễ Phú, Sang đàn, Nghĩa thi”.
Bùi Hữu Nghĩa có nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm và chữ Hán như:
Kim Thạch kỳ duyên (tuồng tiếng Nôm), Quan Công thất phú hạ bì, Hạ âm mô cảnh, Văn tế vợ, Thơ khóc vợ, Tây du, Mậu tùng... Thơ của Bùi Hữu Nghĩa nói lên lòng yêu nước của kẻ sĩ và nỗi niềm đau xót trước vận mệnh của đất nước.

Y.T

Wednesday, February 24, 2016

BÙI HUY BÍCH (1744 – 1818)

Danh thần thời Lê, người làng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Đông (Hà Nội), sinh ngày 28.8.1774, tự là Huy Chương (sau đổi là Ảm Chương) hiệu là Tồn Am và Tồn Ông. Ông vốn dòng dõi khoa bảng. Tổ tiên ông mấy đời đều là các bật danh thần đời Hậu Lê như Bùi Xương Trạch, Bùi Bỉnh Uyên... nhưng thân phụ ông là Bùi Dụng Tân, hiệu là Trúc Viên Cư Sĩ, không ra làm quan chỉ ở nhà dạy học.
Thuở nhỏ, Bích thường đau ốm luôn, vóc dáng lại gầy còm nhưng một thầy tướng xem tướng mạo cho Huy Bích, lại khen rằng “Cậu bé này mắt sáng và dài, mày cong như vành trăng mà ấn đường (khoảng giữa hai lông mày lại rộng, dái tai dài, dám chắc chỉ ngoài hai mươi là phát quý, dù nay có lắm bệnh tật cũng chẳng can chi”. Đến khi 17 tuổi, Bích đến thụ giáo ông nghè Nguyễn Bá Trữ và tỏ ra thông minh, sắc sảo hơn người khiến thầy và bạn đều nể phục. Năm 19 tuổi (1762), Huy Bích dự thi Hương và đỗ ngay Hương cống, nhưng lại trượt kỳ thi Hội ở năm sau. Ông bèn theo học với Bãng nhãn Lê Quý Đôn. Vì chán cảnh triều thần bất ổn, ông không thiết đến việc tiếp tục con đường sĩ tiến. Mãi đến năm 1770 ông mới nộp quyển dự thi và đỗ thi Hội, rồi đỗ thi Đình (Hoằng giáp), được bổ chức Hàn lâm viện Hiệu lý, sau thăng chức Thị chế (1771). Từ năm 1777 đến 1780 ông lĩnh chức Đốc đồng Nghệ An rồi thăng Hiệp trấn Nghệ An, kiêm chức Tham chính. Trong những năm này, ông đã khéo dùng uy thế để làm yên ổn vùng Thuận Hóa, và chiêu dụ thổ dân miền Trấn Ninh, vùng thượng du Nghệ An. Khi trở về Vĩnh Doanh (Vinh), ông hợp lực với quan Trấn Thủ Nghệ An là Vũ Tá Côn tra xét lại một số dân đinh ẩn lậu, đặt ra tuần ty để đánh thuế muối. Ông rất sáng suốt và bao dung khi xét xử các việc lớn nhỏ nên rất được mọi người cảm mến, nể phục.
Những năm 1781-1785, ông được vời về triều, bổ chức Nhập thị Bồi tụng, dù được ưu ái, nhưng nhìn thấy cảnh triều chính đảo điên, Tĩnh đô vương Trịnh Sâm quá say mê Tuyên phi Đặng Thị Huệ, bỏ trưởng lập thứ, phần loạn kiêu binh của quân Tam phủ, Bùi Huy Bích nhiều lần viết điều trần cho Trịnh Sâm hầu kịp thời sửa chữa việc cai trị, nhưng chưa được xét thì Trịnh Sâm mất. Khoảng cuối năm 1785, đầu 1786 ông cáo bệnh về nhàn dưỡng tại Bích Câu (Hà Nội), lúc này ông mới ngoài 40 tuổi.
Tuy ông không còn dự việc triều chính nữa, nhưng chúa Trịnh vẫn thường sai người thăm hỏi sức khỏe và bàn luận với ông những việc quốc sự. Năm 1786, khi quân Tây Sơn tiến ra Bắc, Huy Bích lại được triệu là Giám quân kiêm Đốc chiến, cùng với Hoàng Phùng Cơ cầm quân chống cự. Nhưng bị thua trận, ông phải lẩn tránh về quê. Vua Lê Chiêu Thống đã nhiều lần vời ông ra tham chính, sắc ban làm Bình Chương Sự kiêm Nhập thị Kinh diên, Nhập thị Tham tụng Chính nghị Đại phu. Nhưng ông luôn tìm cách từ chối, nằm dưỡng bệnh ở nhà. Năm 1788, Nguyễn Huệ lênh ngôi vua, cho vời các cựu thần nhà Lê ra giúp nước, ông giả ốm rồi lẩn tránh về ở tại Thạch Thất, Sơn Tây gần sáu năm mới chuyển về ở tại xã An Lâu, huyện Thanh Miện (Hải Dương). Đến đời vua Gia Long (1802), ông lại được triệu ra, phục hồi các phẩm trật cũ và hết sức trọng đãi, nhưng ông chỉ xin được sống an nhà nơi cố hương.
Thơ văn ông còn để lại cho đời sau rất nhiều như: Bích Câu thi tập (tiền, hậu); Nghệ An thi tập (thượng, hạ); Thoái hiên thi tập (3 cuốn); Nghệ An Chí; Hoàng Việt thi tuyển (hay Lịch đại thi sao); Hoàng Việt văn tuyển, bộ “Tứ thư giản ước”; “Lữ trung tạp thuyết”...
Ông mất ngày 25 tháng 5 năm 1818, thọ 75 tuổi.
Th. N.

Theo "Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam", Tôn Nữ Quỳnh Trân (CB), NXB Văn hóa Thông tin, NXB 1993

Tuesday, February 23, 2016

BÁT NÀN CÔNG CHÚA (?-43)

Nữ tướng của Hai Bà Trưng*. Có sách cho rằng tên bà là Vũ Thục Vương quê ở Phong Châu (Vĩnh Phú). Bà là người thông minh, xinh đẹp lại giỏi võ. Tương truyền rằng khi Tô Định cho quân vây nhà giết chết cha bà, Bát Nàn giả trai, cầm dao chống quân giặc và chạy thoát về vùng Tiên La (Thái Bình). Tại đây bà giả làm người tu hành để tìm cách liên kết, tập họp những người có tâm huyết cùng nhau luyện tập võ nghệ chờ ngày khởi nghĩa. Quân sĩ tôn bà là Bát Nàn tướng quân.
Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, bà đem quân hưởng ứng và lập được nhiều chiến công. Trưng Trắc lên ngôi và phong bà làm Công chúa. Năm 43, quân Hán do Mã Viện cầm đầu sang đánh nước Việt, bà cầm quân chiến đấu chống quân xâm lược rất anh dũng. Năm 43, Hai Bà Trưng bị bại, bà chạy về Tiên La và tự sát.

L.V.N

Theo "Những nhân vật nổi tiếng trong Lịch sử Việt Nam", Tôn Nữ Quỳnh Trân (CB), NXB Văn hóa Thông tin, NXB 1993

BÀ TRIỆU (Triệu Thị Trinh, Triệu Trinh Nương, 226-248)

Người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô. Bà quê ở vùng núi Quân Yên, quận Cửu Chân (Thanh Hóa), là người có sức khỏe, có chí lớn và giàu mưu trí. Đến tuổi cập kê, có người khuyên nên lấy chồng, bà khẳng khái đáp: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người”. Năm 19 tuổi, bà cùng anh là Triệu Quốc Đạt tập hợp nghĩa quân, mài gươm luyện võ chuẩn bị khởi nghĩa. Tương truyền vùng quê bà co con voi trắng một ngà rất dữ tợn, thường hay phá hoại mùa màng. Để trừ hại cho dân, bà Triệu lập mưu lùa voi xuống đầm lầy, dũng cảm nhảy lên cưỡi đầu voi và khuất phục được nó. Con voi đó sau này được bà dùng để cưỡi khi ra trận. Trong những ngày đầu tụ nghĩa, bà cho người vao trong hang đá ở Quân Yên đọc bài đồng dao:
“Có bà Triệu tướng
Vâng lệnh trời ra
Trị voi một ngà
Dừng cờ mở nước
Lệnh truyền sau trước
Theo gót Bà vương”
Tiếng đồn núi Quân Yên biết nói, bà Triệu là “Thiên tướng giáng trần”, làm cho thanh thế nghĩa quân thêm lớn, hàng ngũ nghĩa quân thêm đông. Ra trận, bà thường cưỡi voi trắng, mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng. Bà được gọi là “Nhụy kiều tướng quân”. Trong nhân dân còn lưu truyền câu ca dao nói lên lòng tôn kính và sự ủng hộ của dân chúng đối với bà Triệu:
“Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi bàng vàng!”
Năm 248, nghĩa quân do bà Triệu chỉ huy tiến đánh triệt hạ các thành ấp của nhà Ngô tại Cửu Chân. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan đến quận Giao Chỉ. Sử nhà Ngô (Trung Hoa) phải thú nhận “toàn thể Giao Châu đều chấn động!”
Nhà Ngô lo sợ phải phái Lục Dận, một danh tướng, đem tám ngàn viện quân sang đánh. Bà Triệu đã đánh thắng giặc trên ba mươi trận. Chúng phải gọi bà là “Lệ Hải Bà Vương” và bảo nhau là “chống với hổ còn dễ, đương đầu với Bà Vương thật là khó”. Lục Dận một mặt dùng quân tiến đánh, một mặt dùng của cải mua chuột các lãnh tụ địa phương để làm suy yếu lực lượng nghĩa quân. Cuối cùng, bị bao vây ráo riết, bà Triệu đã hy sinh trên núi Tùng (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Ngày nay ở đây còn lăng mộ và đền thờ Bà. Hội lễ đền được tổ chức vào ngày 21 tháng 2 âm lịch hàng năm.

L.V.N

Theo "Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam", Tôn Nữ Quỳnh Trân (CB), NXB Văn hóa Thông tin, NXB 1993

Monday, February 22, 2016

BÀ HUYỆN THANH QUAN

Nữ sĩ đời nhà Nguyễn, thế kỷ 19. Tương truyền bà tên Nguyễn Thị Hinh, không có tài liệ nào ghi tên thật, năm mất của bà. Quê ở làng Nghi Tàm, xã Quảng An, huyện Thọ Xương (nay là Hoàng Long, ngoại thành Hà Nội). Bà là ái nữ của ông Nguyễn Lý, một danh nho đỗ thủ khoa đời nhà Lê (1783), từng làm Đốc học Sơn Tây và Hải Dương. Chồng của bà là Lưu Nghị, đỗ Tú tài năm 1825, đỗ Cử nhân năm 1828, làm tri huyện Thanh Quan (Thái Ninh, Thái Bình), do đó bà được gọi là Bà Huyện Thanh Quan.
Bà Huyện Thanh Quan nổi tiếng là người phụ nữ giỏi về văn thơ chữ Nôm. Làm thơ được bà bà xem là thú tiêu khiển tao nhã nhất. Theo giai thoại, một lần ông Huyện đi vắng, có một người phụ nữ trẻ tên Nguyễn Thị Đào đến cửa quan huyện trình bày hoàn cảnh khổ đau của mình vì bị chồng ruồng rẫy, bội bạc. Thấy lời lẽ tờ đơn cảm động và xót thương thân phận người đàn bà ấy, Bà Huyện Thanh Quan liền cầm bút tự ý phê vào lá đơn cho phép người ấy được ly dị chồng:
“Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai?
Chữ rằng: Xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút, kẻo mai nữa già”.
Vì việc làm tùy tiện này, ông Huyện chồng bà bị quan trên khiển trách, giáng chức. Nhưng về sau, chồng bà lại được thăng chức Bát phẩm thơ lại thuộc bộ Hình. Nhờ có tài văn thơ, Bà Huyện Thanh Quan được vua Tự Đức biết tiếng, vời vào cung phong chức Cung trung giáo tập, dạy học cho các công chúa và cung phi. Vua thường ban thơ cho bà họa lại, bà họa rất tài tình nên được vua quý trọng. Có lần vua Tự Đức cho bà được tự tay đề thơ vào một cái bát cổ quý vẽ cảnh sơn thuye, thơ đó như sau:
“In như thảo mộc trời Nam lại
Đem cả sơn hà đất Bắc sang”
Tác phẩm của Bà Huyện Thanh Quan gồm một số bài thơ Nôm nổi tiếng như: Qua đèo Ngang, Thăng Long hoài cổ, Chùa Trấn Bắc, Cảnh thu, Nhớ nhà, Cảnh chiều hôm v.v... Nội dung thơ của bà bộc lộ rõ nỗi hoài niệm nhà Lê, ngụ ý tiếc thương quá khứ, do đó Bà Huyện Thanh Quan được xếp vào hàng những thi sĩ có khuynh hướng tình cảm, mang tính cách hoài cổ.

Y.T

Theo "Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam", Tôn Nữ Quỳnh Trân (CB), NXB Văn hóa Thông tin, NXB 1993

Saturday, February 20, 2016

BA GIAI (Nguyễn Văn Giai)


Người có óc trào phúng và châm biếm lừng danh ở Hà Thành cuối thế kỷ 19, sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông sống vào khoảng đời Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883), người làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận (Hà Nội). Ông là con thứ ba nên được gọi là Ba Giai. Người ta kể rằng ông có dáng thư sinh, mặt mũi trắng trẻo, cặp mắc sắc và nụ cười hóm hỉnh. Mặc dù thông minh học giỏi nhưng ông không thiết tha với việc học hành khoa cử mà sống cuộc đời phóng khoáng với những trò trêu cợt ngạo đời nổi tiếng ở đất Hà Nội.
Ông kết bạn với Tú Xuất thành một cặp bài trùng, đi đâu cũng có nhau để chọc ghẹo người đời. Giai thoại về Ba Giai và Tú Xuất có nhiều, đại loại mấy câu chuyện sau:
Ờ Hà Nội có một nhà giàu ở phố hàng Bè là bá hộ Tiếp, giàu nhưng rất keo kiệt, chỉ ăn cơm với tép nên người ta gọi là bá hộ Tép, có một con gái tính rất đanh đá, chua ngoa. Một hôm Ba Giai đi qua lúc cô này đang treo mành mành, do vô ý ông chạm vào làm rơi mành xuống. Cô gái nọ giở giọng chua ngoa chửi bới. Ba Giai bực lắm nhưng không nói gì. Đến chiều ba mươi Tết ông ra phố Lò Sũ đặt một áo quan và nói với nhà hàng rằng: “Nhà tôi có một bà bác mất sáng nay, sợ để đến mai thì không tiện vì là mồng một Tế nên nhờ ông chiều nay cho khiêng đến nhà ông Bá Tiếp ở Hàng Bè để trước giao thừa đưa cụ tôi ra đồng”. Theo lời dặn, chiều hôm đó nhà hàng khiêng áo quan đến nhà Bá Tiếp làm cả nhà kinh hoảng. Sau đó ở Hà Nội có câu ca dao:
“Hễ ai mà nói dối ai,
Thì ba mươi Tết Ba Giai vào nhà”.
Đối tượng chính của Ba Giai trêu cợt là đám tham quan ô lại. Một lần ông bảo Tú Xuất vào mượn Tuần phủ Hà Nội võng lọng, nói rằng để về quê làm ma khô cho bố. Vì là học trò của quan Đốc học, thân phụ của Tú Xuất khi xưa, viên Tuần phủ bằng lòng cho mượn. Tú Xuất giả làm quan Khâm sai, từ kinh ra kinh lược cá phủ huyện quanh Hà Nội, có Ba Giai giả làm viên Đề lại cắp tráp theo hầu. Đi đến đâu bọn quan lại, tổng lý, vốn là những kẻ tham nhung, đều sợ chếp khiếp. Sau viên Tuần phủ biết chuyện nhưng phải im đi vì sợ mang họa vào thân.
Người ta biết đến Ba Giai không chỉ ở những bài thơ châm biếm và ngạo đời, ông còn là tác giả của tác phẩm “Hà Thành chính khí ca”. Đây là một bài ca dài 140 câu, làm sau khi thành Hà Nội thất thủ (1882) trong đó có biểu dương gương hy sinh oanh liệt của Hoàng Diệu*:
“... Chữ trung còn chút con con
Quyết đem gửi cái tàn hồn gốc cây
Trời cao, bể rộng, đất dày
Núi Nùng, sông Nhị, chốn này làm ghi”.
và lên án đám quan lại hèn nhát, trốn tránh nhiệm vụ hoặc đầu hàng quân Pháp:
“... Đã quốc tộc, lại vương thần
Cũng nên hết sức kinh luân mới là...
Nước non vẫn nước non nhà
Nỡ nào bán rẻ một toàn Thăng Long”.
Ba Giai mất năm nào không rõ. Người ta cho rằng có thể Ba Giai bị “kẻ thù” ám hại vì những trò ngạo đời hay vì bài ca yêu nước mà ông đã viết.

V.H.L.

Trích "Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam", Tôn Nữ Quỳnh Trân (CB), NXB Văn hóa thông tin, NXB:1993

Thursday, February 18, 2016

AN DƯƠNG VƯƠNG (Thục Phán. ?-179 tr. CN)

Người sáng lập ra nước Âu Lạc. Ông vốn là người thủ lãnh của người Tây Âu cư trú trên địa bàn phía Bắc nước Văn Lang. Vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, nhà Tần đem quân xâm lược các nước ở phương Nam. Người Tây Âu và Lạc Việt đứng lên chiến đấu chống lại quân xâm lược Tần. Cuộc liên minh kháng chiến đó đã đem lại thắng lợi vẻ vang và cũng tạo điều kiện cho sự hợp nhất giữa hai tộc người Lạc Việt và Tây Âu. Vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi cho Thục Phán, Ông hợp nhất hai vùng đất Tây Âu và Văn Lang lập nên nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) và lấy hiệu là An Dương Vương. An Dương Vương cho xây thành Cổ Loa rất kiên cố với ba lớp tường thành và hào sâu. Trong thành, ông sai Cao Lỗ[1] lập xưởng đúc mũi tên đồng, chế tạo loại nỏ bắn một lần được nhiều mũi tên gọi là nỏ liên châu (gần đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy cạnh thành Cổ Loa một kho chứa hàng vạn mũi tên đồng). Tương truyền, khi xây thành Cổ Loa, yêu quái quấy phá nên đắp mãi không được. Sau nhờ thần Kim Qui hiện lên giúp trừ yêu quái, thành mới xây xong. Thần còn cho An Dương Vương một cái móng để chế tạo chiếc nỏ thần giữ nước.
Nhiều lần quan úy quân Nam Hải là Triệu Đà đem quân xâm lược Âu Lạc nhưng bị đánh bại. Triệu Đà dùng mưu đưa con là Trọng Thủy sang làm con tin, cưới con gái của An Dương Vương là Mị Châu và tìm cách chia rẽ triều đình Âu Lạc hầu làm giảm sức chiến đấu của dân Âu Lạc. An Dương Vương quá tin vào thành cao, hào sâu, nỏ mạnh mất cảnh giác với quân thù. Khoảng năm 179 trước Công Nguyên, Triệu Đà kéo quân sang đánh Âu Lạc. Thành Cổ Loa bị vỡ. An Dương Vương cùng con là Mĩ Châu chạy về phía Nam. Quân Triệu Đà truy đuổi rất gấp. Đến núi Mộ Dạ (Nghệ An). An Dương Vương chém Mị Châu rồi nhảy xuống biển tự tử. Ngày nay ở Cổ Loa và ở Nghệ An đều có đền thờ ông. Ngày 6 tháng 1 (âm lịch) là ngày hội lớn ở đền thờ An Dương Vương tại Cổ Loa. Trong dân gian có câu:
Chết thì bỏ con bỏ cháu
Sống thì không bỏ mồng sau tháng Giếng.
L.V.N


Trích "Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam". Tôn Nữ Quỳnh Trân (CB). NXB Thông Tấn. NXB 1993


[1] Dấu Hoa thị * đặt ở góc phải một nhân vật nào là để lưu ý người đọc sự có mặt của nhân vật ấy trong tác phầm này.

TIỀN TỆ VÀ SỰ BIẾN ĐỘNG CỦA TIỀN TỆ Ở VIỆT NAM THỜI PHÁP THUỘC (1858 – 1945)

TIỀN TỆ VÀ SỰ BIẾN ĐỘNG CỦA TIỀN TỆ Ở VIỆT NAM THỜI PHÁP THUỘC (1858 – 1945)

HỒ TUẤN DUNG[1]



[1] Thạc sĩ – Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.

T
iền tệ là một phương tiện lưu thông kinh tế, là công cụ để thực hiện các biện pháp tài chính. Mọi quan hệ tài chính đều được biểu thị thông qua tiền tệ. Vì vậy, tiền tệ luôn phản ánh sự cân bằng của nền tài chính quốc gia. Dưới thời thuộc Pháp, tiền tệ và sự bất ổn định của tiền tệ có ảnh hưởng rất lớn đến các chính sách bóc lột kinh tế và việc đầu tư vốn của tư bản thực dân Pháp ở Đông Dương, đặc biệt là ở Việt Nam.
*
Trong những đặc trưng nổi bật của hệ thống tiền tệ ở Việt Nam thời thuộc Pháp là có hai hệ thống tiền tệ, dựa trên hai hệ giá trị khác nhau cùng tồn tại. Trong khi đồng tiền Việt Nam truyền thống vẫn được duy trì, sử dụng đến năm 1945 nhưng ngày càng mất giá vì đóng vai trò thứ yếu, thì đồng tiền phương Tây (mà đặc biệt sau đó là đồng Franc của Pháp) ngày càng trở thành đồng tiền chính thức, giữ vai trò chủ đạo trong các hoạt động lưu thông kinh tế và thực hiện chức năng tài chính.
Trước khi thực dân Pháp vào Việt Nam, đồng tiền phương Tây theo gót các nhà buôn và các giáo sĩ đã được lưu hành từ lâu ở Việt Nam. Vào thời Gia Long, ngoài vàng nén, bạc nén và bạc con rồng do vua Gia Lon đúc, nặng 27g3, thành sắc 0,635, những đồng bạc Hoa Viên (đồng Rean Tây Ban Nha), đồng Quy đầu (đồng đô la thương mại Mỹ), đồng Song chúc (đồng bạc Mêhicô) và đồng tiền Anh (đồng bảng) là những đồng tiền phương Tây lưu hành khá rộng rãi ở nước ta. Năm 1838, nhà nước phong kiến quy định: các đồng tiền lớn của những loại đồng tiền này ngang giá 7 đồng cân 2 phân bạc, các loại tiền nhỏ ngang giá với 2 đồng cân 3 phân bạc (1). Từ năm 1864, cùng với việc xâm chiếm Nam Kỳ, quân đội viễn chinh Pháp đem theo đồng 5 Franc Pháp (viết tắt là F) và các đồng xu (centime 1/100F) vào lưu hành, với tỷ giá chuyển đổi là 5,3F ăn một đồng bạc Mêhicô (2). Sau đó theo thỏa thuận giữa triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp, đồng Franc được quy đổi theo tỷ giá: bạc thỏi kg ăn 200F; vàng thỏi 1kg ăn 3.127F. Kết quả là cùng với các loại tiền Việt Nam, Trung Quốc và các loại tiền phương Tây trước đó, đồng Franc Pháp đã bổ sung thêm vào tình trạng “đã có cả một mớ hổ lốn thật sự về tiền tệ, về kim loại, về trọng lượng và tỷ lệ kim loại khác nhau được sử dụng cùng một lúc”. Tình trạng hổ lốn này kéo dài đến cuối thế kỷ XIX. Có thể nói cho mãi đến năm 1897, chính quyền thuộc địa chỉ tập trung vào việc xâm lược, bình đình và chiếm đóng, và hầu như không hề quan tâm đến việc tìm cho Đông Dương một đồng tiền ổn định, chắc chắn. “Chính quyền chỉ lo bảo đảm ngân sách Nam Kỳ, chống lại những tổn thất do việc chi tiêu bằng đồng Franc, trong khi các khoản thu lại bằng đồng bạc” (3). Tuy vật, những biến động của tỷ giá đồng bạc so với đồng tiền kẽm hay tiền đồng trên thị trường nội địa vẫn có một sự ổn định trong tỷ giá hối đoái giữa Đông Dương và nước Ngoài.
Đến năm 1902, cuộc khủng hoảng giá bạc trên thế giới đã ảnh hưởng sâu sắc đến tiền tệ Đông Dương. Vào lúc này giá 1kg bạc đã giảm xuống bằng 85F, giá 1 đồng bạc giảm xuống 2F. Cuộc khủng hoảng này đã làm cho việc buôn bán và xuất nhập khẩu, cùng với việc đầu tư vốn vào Đông Dương hoàn toàn bị ngưng lại. Để cố gắng làm cho đồng tiền Đông Dương dần dần không bị lệ thuộc vào giá bạc kim loại, chính quyền thuộc địa đã chủ trương thu hẹp sự lưu thông của đồng bạc Mêhicô trên thị trường Đông Dương. Giải pháp này đã được Ngân hàng Đông Dương cho thi hành một cách triệt để: “Với việc này, kim loại bạc đơn ở Đông Dương trở nên khập khiễng giống như kim loại kép ở Pháp trước đây. Những đồng bạc Mễ Tây Cơ chi ra thì được, nhưng nhập vào thì cấm, như vậy chúng phải biến mất dần trong việc lưu thông. Việc chi ra đồng bạc Pháp được tự do, nhưng việc đúc đồng bạc Pháp được quy định chặt chẽ, cần phải được chính phủ Pháp cho phép” (4).
Để khắc phục tình trạng không ổn định của tài chính Đông Dương, năm 1875, thực dân Pháp đã thành lập Ngân hàng Đông Dương. Ngày 8-3-1878, Ngân hàng này đã phát hành đồng bạc Đông Dương (Piastre viết tắt là $), nặng 27 gam, thành sắc 0,900, và thu dần các đồng tiền khác không cho lưu hành nữa (trừ tiền đồng và tiền kẽm). Cũng từ đây đồng bạc Đông Dương ngày càng chiếm lĩnh trong lưu thông.
Từ năn 1905 đến năm 1929, việc vận hành của ngân bản vị gây ra một sự lộn xộn sâu sắc về tiền tệ. Giá bạc bị sút ngày càng mạnh trong khi các nước trong khu vực đều dùng kim bản vị. Chính quyền thuộc địa đã tìm mọi biện pháp nhằm làm ổn định đồng bạc so với vàng. Trước tiên, để ổn định sức mua và tỷ giá của đồng bạc, Toàn quyền Đông Dương đã quyết định cho duy trì chế độ “kim loại – đơn khập khiễng” (mono-métallisme boiteux). Đến năm 1914, do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thế giới thứ Nhất, giá bạc đột ngột tăng lên. Trong những năm 1919-1920, giá đồng bạc bằng 16-17F. Sau năm 1918, “Đông Dương là nơi duy nhất ở Viễn Đông mà người ta có thể đổi bạc giấy lấy bạc kim loại” (5). Còn các nơi khác, do tỷ giá bị khống chế, không thể đổi giấy bạc, kể cả đổi lấy vàng.
Mặc dù vậy, tình hình trên không duy trì được lâu dài. “Trong bối cảnh gần như toàn thế giới người ta dùng kim bản vị để ổn định tiền tệ, đồng tiền Đông Dương cũng bị tác động và ảnh hưởng sâu sắc. Đặc biệt với việc sút giá đột ngột của kim loại bạc từ năm 1921 đến năm 1929, đồng tiền Đông Dương đã nhanh chóng bị mất giá. Tỷ giá một đồng Đông Dương năm 1926 là 27F; năm 1927 là 12,8F; cuối năm 1929 dưới 10F (6). Sự hạ giá này là cơ hội để vốn đầu tư tư nhân ở chính quốc đổ xô vào Đông Dương, trong tình trạng tiền tệ đó, việc ổn định đồng bạc Đông Dương là một điều tối cần thiết bởi vì: “Tình trạng ngày càng thêm nghiêm trọng, vì vốn chính quốc đầu tư vào Đông Dương bị tiêu tan cùng lúc với việc hối đoái của đồng bạc với đồng Franc bị sụp đổ” (7). Tuy nhiên chính phủ vẫn chưa làm được gì đáng kể.
Tóm lại, trong 30 năm đầu thế kỷ, mặc dầu chính quyền thuộc địa đã thực hiện nhiều biện pháp song vẫn không sao ổn định được tiền tệ. Rõ ràng cùng với việc thiết lập chế độ thuộc địa và gắn liền quyền lợi của tư bản tài chính Pháp với nền kinh tế Đông Dương. Chính quyền thực dân ở thuộc địa đã cố gắng hết sức để gắn đồng tiền Đông Dương với đồng Franc của Pháp, thế nhưng đồng tiền Đông Dương vẫn luôn lệ thộc vào sự tiến triển của hệ thống tiền tệ thế giới.
Từ năm 1930, khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu tác động đến Đông Dương (nơi xuất khẩu gạo) thì vấn đề ổn định tiền tệ giữa đồng bạc Đông Dương và đồng Franc Pháp là một vấn đề cấp thiết. Để có một đồng tiền ổn định, Tổng thống Pháp đã ra sắc lệnh ngày 31-5-1930. Theo văn bản này, đồng bạc Đông Dương chính thức được đặt dưới chế độ kim bản vị. Đồng bạc ($), đơn vị tiền tệ của Liên bang Đông Dương được quy định là 665mg vàng, với tỉ lệ là 900/1000, nghĩa là tương đương với 10 Franc Pháp. Đây là cuộc cải cách mang tính quyết định. Bên cạnh đó, Ngân hàng Đông Dương cam kết đổi bạc giấy của mình ra vàng trên một mức tối thiểu quy định. Dù vậy, từ năm 1931 đến năm 1936, tiền tệ Đông Dương vẫn bấp bênh và vốn đầu tư của chính quốc vào Đông Dương ngày càng một giảm sút Để cải thiện tình hình, ngày 2-10-1936, Tổng thống Pháp đã ra sắc lệnh chính thức quy định Ngân hàng Đông Dương phải đảm bảo việc đổi giấy bạc do Ngân hàng phát hành ra đồng Franc theo tỷ lệ 1 đồng bạc Đông Dương ăn 10 Franc, cho đến lúc định được hàm lượng vàng của đồng bạc. Chế độ tạm thời này đã mặc nhiên tồn tại ở Đông Dương đến tận tháng 12-1945 (8). Với sắc lệnh trên, đồng tiền Đông Dương bị lệ thuộc hoàn toàn vào đồng tiền Pháp. Về thực chất nó trở thành bộ số của đồng Franc. Trên thực tế, sắc lệnh đã góp phần vào việc ổn định tạm thời tiền tệ Đông Dương. Vì vậy cũng từ năm 1936 đã diễn ra cuộc đổ xô mới của vốn đầu tư tư nhân vào Đông Dương.
*
Tóm lại, vấn đề tiền tệ ở Đông Dương là một vấn đề rất phức tạp. Trong suốt thời gian thực dân Pháp cai trị Đông Dương, ở nơi đây chưa bao giờ thực sự có một hệ thống tiền tệ ổn định, mà nó chỉ là sự kế tiếp nhau thích nghi của chế độ tiền tệ vì lợi ích của chính quyền thực dân hoặc các nhóm tư bản tư nhân; hoặc phụ thuộc vào các biến động tỷ giá hối đoái của tiền tệ thế giới và các biến động của kinh tế chính quốc. Hậu quả của những biến động tiền tệ Đông Dương đã có ảnh hưởng rất lướn đến mọi hoạt động kinh tế, tài chính nói chung, đặc biệt là trên lĩnh vực đầu tư vốn của Pháp ở thuộc địa Đông Dương.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Đỗ Văn Ninh. Tiền cổ Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội 1992, tr. 194.
(2) Viện Khoa học tài chính. Lịch sử tài chính Việt Nam, Tập 1, Nxb Tài chính, Hà Nội 1995, tr 16
(3) Resismanset, Le mirale francaise en Asie, G. Grèsed Cie, Paris, 1922, tr. 313
(4)(7) C. Robequain. Sự chuyển biến kinh tế của Đông Dương thuộc Pháp, Nxb Hartmam, Paris 1939, tr. 167, 163.
(5)(6)(8) J. Aumiphin, La présence financière économique francaise en Indochine (1859-1939). Thèse pour le Doctorat, Nice, 1982, tr. 11, 19, 21.