Saturday, July 2, 2016

ĐẶNG HUY TRỨ – NHÀ CANH TÂN GIÁO DỤC THỜI NGUYỄN



TS. Trần Vĩnh Tườngß

Trong thế kỷ XIX, chế độ phong kiến thời nhà Nguyễn đã suy yếu, sau 10 thế kỷ được xác lập khi đất nước thoát khỏi ách thống trị Bắc thuộc. Cũng trong thời gian này, chủ nghĩa tư bản phát triển ở các nước Âu – Mỹ, dần dần trở thành một hệ thống thế giới. Nhu cầu xâm chiếm thuộc địa của các nước này ngày một tăng, nguy cơ mất nước của các dân tộc nhỏ yếu, đang chìm đắm trong chế độ phong kiến, hoặc các hình thức xã hội trước đó, ngày càng trở nên trầm trọng.
Thực tế lịch sử đặt ra vấn đề cần giải quyết, theo hai hướng chủ yếu: đấu tranh để giữ vững độc lập dân tộc rồi phát triển, hoặc bị mất nước, chịu sự thống trị đô hộ của tư bản phương Tây. Truyền thống của mỗi dân tộc nói chung, của nhân dân Việt Nam nói riêng là không hề khuất phục lòng tham vô đáy của chủ nghĩa tư bản. Lịch sử đã chứng minh rằng, không phải “mạnh được yếu thua” là quy luật của mọi cuộc chiến tranh; dù trong chiến tranh xâm lược, bọn tư bản, thực dân đã dựa vào lực lượng vũ trang mạnh mẽ của mình để đàn áp cuộc kháng chiến anh dũng của các dân tộc nhỏ yếu. Theo sự phát triển hợp quy luật của lịch sử, mọi chế độ áp bức, thống trị tàn bạo cuối cùng đều bị quật đổ bởi lực lượng đấu tranh của nhân dân bị thống trị. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định khi nói về triển vọng cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Đông Dương vào đầu thế kỷ XX: “Đằng dau sự phục tùng tiêu cực của người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến”[1].
Chính nghĩa là một yếu tố tinh thần quan trọng để chiến thắng, nhưng để giương lá cờ chính nghĩa đánh bại sự xâm lược của kẻ thù thì phải biến chính nghĩa thành sức mạnh vật chất hùng mạnh. Một trong những điều kiện để hùng mạnh, biến chính nghĩa thành sức mạnh vật chất là phải canh tân đất nước. Đòi hỏi canh tân đất nước là yêu cầu hợp quy luật của sự phát triển lịch sử, do nội lực của dân tộc và ảnh hưởng của bên ngoài.
Vấn đề này đã được đặt ra ở Việt Nam, cũng như Trung Quốc, Nhật Bản, XIêm La (Thái Lan ngày nay) và nhiều nước khác đang đứng trước nguy cơ xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Yêu cầu canh tân đất nước là yêu cầu nội tại của mỗi nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Tuy nhiên, việc tiến hành canh tân đất nước đến mức độ nào và thành công hay thất bại lại phụ thuộc rất nhiều ở cơ sở xã hội, sự nhận thức của nhân dân, đặc biệt là ở người cầm quyền. Chúng tôi không đi vào việc canh tân đất nước ở một quốc gia trong khu vực, chúng tôi cũng không đề cập nhiều đến nguyên nhân, diễn biến, kết quả của các xu hướng duy tân vào nửa sau thế kỷ XIX ở nước ta mà tập trung vào một nhân vật lịch sử có tư tưởng duy tân, ý chí, mong muốn thực hiện việc canh tân đất nước, nhưng không thành công vì không “gặp thời” và không có “thế”. Đó là Đặng Huy Trứ ở Thừa Thiên – Huế.
Các công trình lịch sử đã nói nhiều về các nhà duy tân thời Nguyễn, đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ, nhưng đối với Đặng Huy Trứ thì chưa được nhiều, sâu sắc, ngoài các hội thảo khoa học tổ chức ở Thừa Thiên – Huế.
Đặng Huy Trứ tự là Hoàng Trung, hiệu Vọng Tân, Tĩnh Trai, sinh ngày 15 – 5 – 1825 ở làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, Huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, sống ở nông thôn. Ông nội và cha đều làm nghề dạy học. Vì vậy, Đặng Huy Trứ được nuôi dưỡng trong một gia đình mẫu mực về học vấn và đạo đức, ở một địa phương giàu truyền thống hiếu học, giữ được phẩm chất tốt đẹp của một vùng quê gần kinh thành. Trong tập “Đặng dịch trai ngôn hành”, viết năm 1868, Đặng Huy Trứ nhớ lại việc dạy dỗ của cha đối với mình, vừa thân thương vừa nghiêm khắc: “Cha tôi truyền dạy cho ý chính từng chương, lý lẽ từng đoạn rõ ràng như dạy đứa trẻ chưa biết chữ nào, thỉnh thoảng lại đem những điều nghe biết được trước kia ra hỏi, yêu cầu phải trả lời ngay sau tiếng gõ của cha tôi, nếu ngần ngừ không trả lời ngay được hoặc trả lời không rõ ràng, rành mạch đều bị quở trách”[2].
Phương pháp giáo dục, tuy nghiêm khắc song cũng buộc người học phải suy nghĩ, nhận thức ngay để trình bày sự hiểu biết của mình; điều này ảnh hưởng nhiều đến những ý tưởng cải cách giáo dục của Đặng Huy Trứ. Cần phải nhấn mạnh: trong bối cảnh lịch sử thời đầu nhà Nguyễn, trước nguy cơ mất nước, cũng như nhiều nhà yêu nước khác có kiến thức sâu rộng, không bảo thủ, rụt rè khi tiếp cận cái mới, Đặng Huy Trứ là một nhà canh tân xuất sắc đương thời. Một nhà nghiên cứu đã cho rằng Đặng Huy Trứ là một nhân vật tiêu biểu trong số ít người lúc bấy giờ, ông có “nhân cách độc đáo và tài năng đa dạng, dấn thân hoạt động trên nhiều lĩnh vực văn hóa, giáo dục, kinh tế…ở đâu cũng thể hiện những tư tưởng đặc sắc”[3].
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung về mặt giáo dục – một lĩnh vực mà Đặng Huy Trứ đặc biệt quan tâm và có nhiều ưu thế. Bởi vì, trước khi ra làm quan, Đặng Huy Trứ đã dạy học khoảng 10 năm ở quê nhà; do đó, ông có điều kiện rất gần gũi với nhân dân, hiểu rõ nguyện vọng chính đáng của phụ huynh là muốn cho con em được học để làm người, xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Đặng Huy Trứ chú trọng việc giáo dục cho nhân dân, đặc biệt là lớp người trẻ, vì ông xuất thân từ gia đình dạy học lâu đời, lại sớm nhận thức được sức mạnh to lớn của nhân dân.
            “Ngô nhân tự hữu hồi thiên lực
            Ngao cực lô khôi vị túc khoa”
Dịch nôm:
            “Dân ta đủ sức xoay trời lại
            Chẳng đáng khoe chi chuyện vá trời”[4]
Tuy nhiên để cho dân có sức mạnh của Bà Nữ Oa “đội đá vá trời” và làm xoay chuyển tình thế, người dân cần phải được học hành mới có thể thoát khỏi cái nhọc nhằn, nhục nhã trong cuộc sống:
            “Giờ dần đã tính kế sinh nhai,
            Ăn vội cơm đèn bữa sáng mai
            …Thợ cày thoáng nhận nhau qua bóng.
            Cơm trắng còn vương dính ở môi”[5]
Đây là một quan điểm nhận thức sâu sắc của Đặng Huy Trứ, làm cơ sở xuất phát cho mọi suy nghĩ, hành động của ông khi là thầy đồ nghèo hay lúc ra làm quan. Nó thể hiện ở nhiều lĩnh vực mà ông đề xuất ý tưởng, kế hoạch canh tân đất nước.
Về giáo dục, khác với nhiều người đương thời ông nêu rõ quan điểm về mục đích học tập là “học để làm người” như ông cha ta đã xây dựng từ lâu, như bị lối học hành, thi cử chỉ mong để làm quan chức làm sai lệch, hủy hoại truyền thống tốt đẹp đó “học để làm người”. Trong tình hình chế độ phong kiến suy yếu, nhân nghĩa nhường cho bạo tàn, chốn thi cử là trường mua quan bán chức. Đặng Huy Trứ nhấn mạnh việc học hành phải nhằm đạt được “nhân hòa”:
           
Tự cổ nhân hòa đệ nhất nghĩa
            “Thiên thời, địa lợi tận do chi”

Dịch thơ:
            “Muôn thuở nhân hòa xem trọng nhất
            Mới ra địa lợi vốn thiên chi"[6]
Sự thành công, thất bại trong hoạt động của con người, theo người cưa, chịu sự chi phối của ba yếu tố: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trong ba yếu tố ấy, Đặng Huy Trứ xem “nhân hòa” là quan trọng nhất, có tính quyết định. Ông cũng nói thêm, muốn có “nhân hòa’ thì phải hiểu biết mà muốn hiểu biết thì phải học. Tư tưởng này có thể trở nên lỗi lạc dưới thời phong kiến suy yếu nhà Nguyễn, song nó đã tiếp thụ tư tưởng truyền thống giáo dục của cha ông và để lại bài học kinh nghiệm cho chúng ta ngày nay khi xác định đúng mục tiêu đào tạo.
Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, dù là một nhà nho tiến bộm biết rõ sức mạnh của nhân dân, nặng lòng yêu nước, vẫn mong đánh đuổi quân Pháp xâm lược bảo vệ Tổ quốc, Đặng Huy Trứ vẫn chưa thoát khỏi lý tưởng “trung quân, báo quốc”, nên ông xác định trách nhiệm của người đi học là:
            “Ăn lộc ta càng lo việc nước
            Tính sao? Hòa, chiến giữ, hay nhường?”[7]
Nỗi băng khoăn “ăn lộc vua phải lo việc nước” do chưa thể thoát khỏi tư tưởng quân vương, nhưng không phải sự tuân lệnh một cách mù quáng mà đặt vấn đề để suy nghĩ, tìm câu giải đáp thích hợp, có hiệu quả nhất. Tư tưởng này trở thành một phương pháp giáo dục của Đặng Huy Trứ, phương pháp này có nhiều điểm khác, trái ngược với lối học kinh viện kiểu cũ. Ông đề ra phương pháp dạy học theo kiểu “vấn nan” với chủ trương “sư đệ tương trưởng” (thầy trò cùng trưởng thành), thực chất là “dân chủ hóa” việc giảng dạy và học tập – một quan niệm mới, tiến bộ so với lúc bấy giờ.
“Phương pháp vấn nan” được Đặng Huy Trứ diễn dạt như sau:
            “Việc học của trò
            Vấn nan cần chính xác
            Trò rằng: hiểu rõ thêm
            Thầy càng thêm uyên bác
            Dạy học cần gắng sức,
            Thầy trò không vướng chân
            Cùng nhay đi thuận bước”[8]
Phân tích phương pháp dạy học mà Đặng Huy Trứ đề ra, chúng ta thấy có những điểm chung, giống với phương pháp tích cực hóa việc dạy và học phổ biến ở nhiều nước theo xu hướng của giáo dục hiện đại và đang thực hiện ở nước ta nhằm phát huy tính tích cực của học sinh.
Qua phươn pháp dạy học của Đặng Huy Trứ, chúng ta nhận thấy ông đã quan niệm đúng rằng: dạy và học là hai khâu của một quá trình thống nhất của việc dạy học, có tác động lẫn nhau. Kết quả dạy của thầy được phản ánh trong kết quả học tập của học sinh, quá trình học tập của học sinh với những suy nghĩ, thắc mắc, giải đáp cũng góp phần làm cho thầy tiến bộ. Như vậy, cả thầy và trò đều phát triển trong quá trình dạy học vì “thầy trò không vướng chân” mà “cùng nhau đi thuận bước”.
Khai thác các di thảo của Đặng Huy Trứ nói chung, về giáo dục nói riêng, chúng ta có thể nhìn thấy nhiều điều bổ ích về nội dung, quan điểm, phương pháp luận, mà trong báo cáo này chúng tôi không thể trình bày. Để hiểu đúng hơn về Đặng Huy Trứ, chúng ta có thể so sánh với Nguyễn Trường Tộ; nhưng vấn đề như vậy là quá lớn, ở đây chúng ta chỉ giới thiệu về mặt giáo dục.
Nguyễn Trường Tộ trong khoảng 60 bản điều tràn của mình đã đề cập đến nhiều lĩnh vực: riêng về giáo dục, trong “Tế cấp bát điều” (“tám điều cần làm”), ở điều 4 ông xin sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng. Ông đã chỉ trích việc học tầm chương trích cú theo lối cũ và đề nghị mở các khoa đào tạo về nông chính, thiên văn và địa lý, công – kỹ nghệ, luật học, dùng quốc âm (lấy chữ Hán đọc theo âm Việt), để dạy học. Nguyễn Trường Tộ đã có những đề nghị về việc đào tạo một cách thiết thực, song chưa nêu được quan điểm, mục tiêu đào tạo và đổi mới phương pháp dạy học như Đặng Huy Trứ. Tuy Đặng Huy Trứ không có điều kiện hiểu biết nhiều về nước ngoài để kiến nghị một cách cụ thể như Nguyễn Trường Tộ, song cũng có tầm nhìn chiến lược về giáo dục. Sự kết hợp những tư tưởng này sẽ góp phần canh tân đất nước, tạo nên sức mạnh của dân tộc trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc hùng mạnh. Trách nhiệm của triều đình Huế chính là ở chỗ không biết lắng nghe những tư tưởng, kế hoạch canh tân đất nước của những người như Đặng Huy Trứ và Nguyễn Trường Tộ.
Qua việc tìm hiểu về Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ với những đề nghị canh tân đất nước nói chung, canh tân về giáo dục nói riêng của các ông, chúng ta càng nhận thấy rõ hơn sự trì trệ của triều đình Huế, một nguyên nhân khiến đất nước rơi vào tay thực dân Pháp. Những con người như Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ xứng đáng được người đời sau ngưỡng mộ, học tập.



ß Trường đại học Sư Phạm – ĐH Huế
[1] Hô Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 1, tr. 28.
[2] Nhóm Trà Lĩnh; Đặng Huy Trứ – con người và tác phẩm, NXB Tp. HCM, 1990, tr. 62.
[3] Trương Thị Yến…Xu hướng mới trong lịch sử Việt Nam – những gương mặt tiêu biểu. NXB Văn Hóa – Thông Tin – Hà Nội, 1998, tr. 185.
[4] Nhóm Trà Lĩnh; Đặng Huy Trứ, Sđd, tr. 90.
[5] Sđd, tr. 73
[6] Sđd, tr 190.
[7] Sđd, tr. 151.
[8] Sđd, tr 128.

LÊ CHÂN (? – 43)


Nữ tướng của Hai Bà TRưng*, quê ở Đông Triều. Tương truyền rằng bà xinh đẹp và giỏi võ. Sau khi cha mẹ bị thái thú Tô Định giết chết, bà chạy ra vùng viển (An Dương), tập hợp dân quê, khai phá đất đai trồng trọt, đồng thời chiêu tập thanh niên, rèn luyện võ nghệ chuẩn bị nổi lên đánh quân Hán. Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở Hát Môn, bà đưa người của mình đến gia nhập, lập được nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến đánh đuổi Tô Định. Cuộc khởi nghĩa thành công, Trưng Trắc lên ngôi phong bà là Thánh Chân công chúa, giữ trọng trách “Chưởng quản binh quyền nội bộ”. Khi quân Mã Viện kéo sang đánh, bà chặn thủy binh địch bằng cách ngăn sông lấp suối. Do lực lượng ít ỏi, cuộc kháng chiến thất bại, Ha Bà Trung tự tận, bà cũng tự sát theo.

L.V.N.

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ VÀ THỜI ĐẠI: NHỮNG NGHỊCH LÝ



PGS. TS Phạm Xanhß

Vào giữa thế kỷ XIX một vấn đề nổi cộm trong chính sách đối ngoại của các nước phương Đông là làm thế nào để bảo vệ được độc lập dân tộc và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trước sự bành trướng thế lực và các cuộc xâm lăng của các nước phương Tây. Trong các giải pháp của các nước Đông Bắc Á được xây dựng trên nền tảng Nho giáo như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên ta có thể thấy một nét chung đầy lý thú: cố gắng hòa nhập yếu tố cũ và mới, truyền thống vả hiện đại trên bước đường phát triển của đất nước. Nhưng ở nước ta, dưới triều Nguyễn, tình hình diễn ra hoàn tòn khác. Trước vận mạng sống còn của đất nước những nho sĩ thức thời lúc đó đã trăn trở, suy ngẫm để cuối cùng bật lên những tư tưởng chói sáng trên những trang điều trần gửi tới triều đình. Những tư tưởng lớn của cả một lớp Nhật Bản, hợp thành một dòng phái duy tân mà tiêu biểu nhất là Nguyễn Trường Tộ. Tiếc thay những tư tưởng đó không được đưa vào cuộc sống, không trở thành hiện thực, dù là một phần. Thế lực nào cản trở? Nguyên nhân nào làm cho xu hướng cải cách hợp thời ấy không đơm hoa kết trái trên đất nước vốn ít nhiều có truyền thống canh tân? Bài viết này truy tìm những căn nguyên làm cho những đế nghị duy tân đất nước của Nguyễn Trường Tộ và rộng hơn của cả dòng phái duy tân cuối thế kỷ XIX bị thui chột, lụi tàn.
Về phương pháp luận, muốn đánh giá đúng đắng một nhân vật lịch sử nào đó cần đặt họ vào thời đại lịch sử mà họ đã sống và hành động. Chúng tôi sẽ không đi chệch nguyên tắc đó. Nhhân dây cũng thưa rằng, trong nghiên cứu lịch sử hiện nay có xu hướng nổi lên khá rõ – khai thác thái quá tính chính trị những vấn đề lịch sử được nghiên cứu. Vì thế, dẫn tới một số lệch lạc trong nghiên cứu lịch sử như không tôn trọng tính khách quan, hoặc hiện đại hóa lịch sử v.v…Trên tinh thần đó, chúng tôi đặt Nguyễn Trường Tộ vào thời đại mà ông đã sống và hành động để nghiên cứu và phán xét, chứ không xuất phát từ ý muốn chủ quan được hình thành trên cơ sở những yêu cầu bức bách hiện thời. Nghiên cứu con người Nguyễn Trường Tộ với toàn bộ di sản của ông và thời đại ấy trong những nghịch lý khiến cho thời đại ông không tiếp nhận những tư tưởng lớn của ông. Dưới đây chúng tôi xin lần lượt trình bày một số những nghịch lý chủ yếu.
Nghịch lý 1: Một trí thức tiên tiến và đám vua quan lạc hậu.
Nguyễn Trường Tộ là một người thông minh. Lúc còn đi học, ông đã nổi tiếng về sự uyên bác nên mọi người gọi ông là “Trạng Tô”. Trong gần 10 năm đèn sách, ông có một vốn Hán học hết sức phong phú, một khối lượng kiến thức đồ sộ  về văn hóa phương Đông, đặc biệt là văn hóa Trung Quốc. Cũng ở thời kỳ học chữ Hán này, ở ông đã bộc lộ năng lực quan sát, phát triển những điều mới mẻ mà ông cảm nhận được ở thế giới xung quanh. Có lẽ tư chất này giúp ông không ngỡ ngàng, mà hội nhập nhanh chóng khi lần đầu tiên tiếp xúc với nền văn minh phương tây qua Giám mục Gauchier (tên Việt Nam là Ngô Gia Hâu. Năm đó Nguyễn Trường Tộ mới 25 tuổi, độ tuổi đẹp nhất về sự tiếp nhận tri thức của một đời người. Trong gần 3 năm giúp Gauchier dạy chữ Hán cho Chủng viện Xã Đoaiì và nhận từ Cha Hậu tiếng Pháp và một vài môn học phổ thông. Cha Hậu đã phát hiện ở ông những đức tính đốt đẹp của một con người có tài. Cha hậu cho ông đi thăm Hương Cảng, Singapore (những vùng đất thuộc địa của Anh) và rồi gửi ông tới Paris du học hơn 2 năm. Những gì thu nhận được trong những chuyến đi, đặc biệt là những năm tiếp xúc trực tiếp với nền văn hóa Pháp là nền tảng căn bản hình thành tư tưởng duy tân, ở ông đã kết hợp tinh hoa văn hóa Đông – Tây. Thành quả của sự kết hợp ấy được biểu hiện rõ nét, đầy đủ, trọn vẹn trong toàn bộ những bản điều trần gửi triều đình Huế từ năm 1861 đến năm 1871. cũng ở đây nổi lên khối lượng kiến thức đồ sộ, tầm nhìn xa rộng và sự nhạy cảm tinh tế với thời cuộc của ông. Tất cả những điều đó làm cho ông vượt lên trên những người đương thời, tương phản gay gắt với vua Tự Đức và các quan đại thần, những người chăn dắt muôn dân, cai trị đất nước và đang nắm vận mệnh của xã tắc. Chúng ta điều biết, Tự Đức là một ông vua thể chất ốm yếu, bệnh đậu mùa đã để lại ở ông vua này di chứng nặng nề suốt cả cuộc đời – không có khả năng sinh con, thỉnh thoảng lên con chóng mặt, ngất xỉu. Bài văn ở bia mộ do chính Tự Đức soạn năm 1867, tức trước khi mất 16 năm (mất năm 1883) cung cấp một lời thú tội:
“Ta còn bị những cơn đau như sét đánh làm ta suýt chết. Ta ngất đi rồi tỉnh lại. Ta thường bị chóng mặt, mắt mờ…Bệnh tật làm cho ta sao lãng các nghi lễ truyền thống và làm cho ta không thể chăm lo các việc triều chính nhiều hơn nữa”[1].
Với thể chất như vậy, suốt đời Tự Đức tự giam mình trong cung cấm. Có lẽ, cả đời vua chỉ có một chuyến di duy nhất – ra Hà Nội trong dịp lễ phong vương của vua Thiệu Trị và đều đặn mỗi năm 2 lần ra của biển Thuận An, cách huế không đầy 10km, để tránh thời tiết nồng về mùa hạ và rét về mùa đông. Một ông vua như vậy làm sao có được tính cách của một nhà chính trị xông xáo, quyết đoán khi đất nước đang ở trong tình hình nước sôi lửa bỏng.
Toàn bộ những chính sách của triều đình được hình thành tại Huế từ thông tin méo mó nhận được qua một kênh duy nhất là các quan đại thần, tách khỏi cuộc sống sôi động của đất nước hệt như “ếch ngồi đáy giếng”. Tự Đức, dù là người uyên bác bậc nhất thời đó, cũng chỉ là môn đồ cuồng nhiệt của Khổng học, một nhà thơ hơn là một nhà chính trị. Về mặt tư tưởng, Tự Đức và các nho sĩ thời đó tỏ ra “bảo hoàng hơn cả vua”, tất cả đều nhất nhất bám giữ lấy những định đề Nho giáo làm chuẩn mực trong hành động, trong khi đó đất nước sinh ra Nho giáo và các nước lân bang đang chuyển động theo hướng mềm hơn. Chín năm sau khi Tự Đức mất, ông Paker, lãnh sự Anh tại Trung Hoa ghé thăm Huế đã chứng kiến một cuộc đón tiếp của triều đình: “Từ cổng, chúng tôi tiến vào giữa hai hàng quan lại, con số đến 600 người, tất cả đều mặt triều phục, có vẻ là triều phục nhà Minh bên Trung Hoa”[2].
Chúng ta không biết tường tận ý kiến của Tự Đức phê phán các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ trong kho Châu bản nhưng xét theo những điều trình bày ở trên chúng ta thấy Tự Đức với tư cách người đứng đầu nhà nước và cả triều đình Huế chưa sẵn sàng tiếp nhận những tư tưởng mới mẻ, trong đó có những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ. Nhà Nguyễn thời đó đã thiếu một minh quân như Minh Trị bên Nhật Bản.
Nghịch lý 2: Chiến tranh và hòa bình
Về Nguyên tắc, duy tân đất nước chỉ được thực hiện trong thời bình. Ở thời đó có đầy đủ điều kiện về thời gian và nhân tài vật lực cho việc canh tân, chấn hưng đất nước. Nguyễn Trường Tộ true thay, về thời gian những tập điều trần của Nguyễn Trường Tộ được soạn thảo, đệ trình từ năm 1861 đến 1871, đúng vào thời kỳ đất nước có chiến tranh, giặc Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông (1862), rồi toàn xứ Nam kỳ lục tỉnh (1867) và đang muốn tìm cớ cho cuộc viễn chinh Bắc Kỳ. Trong thời chiến, đặc biệt khi đất nước đang đứng trước nguy cơ bị thôn tính hết, giải pháp duy nhất hợp với truyền thống là tập trung trí tuệ, sức lực, của cải cho cuộc kháng chiến chống xâm lăng. Mọi khoản chi đều dồn hết cho quân sự. Trong bối cảnh đó, còn đâu thời gian, sức lực và tiền của để thực hiện những dự án khổng lồ của Nguyễn Trường Tộ. Thời chiến làm sao có thể chấp nhận những đề án ngốn nhiều tiền của để rồi nguy cơ bị tàn phá, nó chỉ chấp nhận những điều chỉnh phù hợp với chiến tranh, chủ yếu nhằm mục đích quân sự. Ý tưởng tốt đẹp của Nguyễn Trường Tộ không tính tới khả năng thực hiện khi đất nước có chiến tranh.
Nghịch lý 3: Truyền thống và phản truyền thống
Nước ta cũng tồn tại bên cạnh một nước lớn có một nền văn minh bậc nhất thế giới, lấy bành trướng và đồng hóa các dân tộc khác làm nền tảng trong chính sách đối ngoại của họ. Để tồn tại và phát triền với chính bản sắc riêng của mình, dân tộc ta đã tự lựa chọn cho mình một giải pháp tối ưu – chống trả một cách kiên quyết và bền bỉ. Tính cách đó được lưu truyền từ thế hệ nọ sang thế hệ kia, để rồi từ đó hình thành nên một truyền thống tốt đẹp – bất khuất trước quân thù. Giặc đến, trên dưới đồng lòng quyết đánh, đánh một năm không thắng, đánh nhiều năm cho đến khi trên đất nước không còn bóng giặc mới thôi. Ai dao động ngã nghiêng, ai cầu hòa với giặc, ai vì miếng cơm manh áo theo giặc đều bị kết tội đi ngược với truyền thống, phản bội Tổ quốc, dù đó là vua. Trước Nguyễn đã như vậy, thời Nguyễn vẫn như vậy. Dưới thời Nguyễn chữ trung quân của nho giáo – xiềng xích buộc chặc thần dân vào ngai vua, đã bị bẻ gẫy từng mắt một, có lẽ bắt đầu từ Trương Định và tiến tới đỉnh điểm ở cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn và Đặng Như Mai trên đất Nghệ Tĩnh năm 1874 khi triều đình Huế ký hàng ước Giáp Tuất thừa nhận quyền cai trị của thực dân Pháp trên miền lục tỉnh Nam kỳ.
                        “Rập rình trống đánh cờ xiêu
            Phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây”
Vua và triều đình từ cầu hòa đến cắt đất cho giặc đã bị kết tội phản bội Tổ quốc, đi ngược truyền thống bất khuất và trở thành đối tượng của phong trào kháng chiến. Trong con mắt của nhân dân vua đã như vây, huống chi Nguyễn Trường Tộ, mặc dù trong thâm tâm và trong những tư tưởng ở các tập điều trần, hòa chỉ là một kế sách tranh thủ thời gian duy tân đất nước, chuẩn bị mọi điều kiện để lấy lại những vùng đất đã mất. Dù là như vậy, đối với dân ta, hòa có nghĩa là đi ngược lại với truyền thống, phản lại truyền thống, làm nhục ý chí, phân tán lực lượng, trong cuộc chiến đấu chống quân thù. Do vậy, phe chủ hòa trong đó có dòng phái cải cách đã bị nhân dân lên án, kết tội, không có chỗ đứng trong tâm thức của nhân dân.
Nghịch lý 4: Lương và Giáo
Lương và Giáo viết gọn như vậy, nhưng thực ra đây là một cặp khái niệm chỉ hai cộng đồng người – cộng đồng người theo đạo Thiên chúa giáo (gọi là Giáo) và cộng đồng người nằm ngoài tôn giáo (gọi là Lương). Hai cộng đồng người đó đã tiến hành những cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt, đôi khi dẫn tới những cuộc “bách hại” suốt nhiều thế kỷ, đặc biệt dưới thời Nguyễn, bởi lã “Thiên chúa giáo đã gia nhập đất Việt cùng một chiếc thuyền và cùng một ngọn nước với bọn đế quốc đi cướp thuộc địa”[3].
Trong con mắt của những người bên Lương, những người bên giáo đã đặt Chúa trời lên trên Tổ tiên, đã đặt “Thiên chúa trên Tổ quốc”, “đạo trước dân tộc”, người theo giáo đã đứng về phía địch, giúp giặc và phản bội Tổ quốc. Những điều đó đã đi qua nhiều thế hệ để rồi đến khi Nguyễn Trường Tộ trở thành những định kiến, những định kiến mù quáng đến nỗi không phân biệt được những người công giáo kính chúa yêu nước và những người công giáo theo giặc. Đối với Nguyễn Trường Tộ, điều trớ trêu là ở chỗ đó. Nguyễn Trường Tộ một trăm phần trăm là người công giáo  kính chúa yêu nước. Trong Thiên hạ đại thế luận ông đã bộc bạch: “Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không hết lời là bất nghĩa. Nay tôi tuy ở chốn giang hồ mà lòng vẫn ở nơi đế khuyết, tôi không nỡ trong nước mà chia sẻ, trăm họ lưu ly, nên chi chức phận thấp hèn mà cũng chẳng ngại bày tỏ đường đột”. Năm 1871, trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông vẫn trăn trở sao cho nước mạnh dân giáu. Định kiến hẹp hòi với người theo công giáo đã không tính đến điều đó, chỉ xếp ông theo một chuẩn mực đã định sẵn: ông là người theo đạo Thiên chúa, đã từng hợp tác với giặc Pháp nên không tốt, thế thôi. Định kiến đó vẫn theo mãi cho tới gần đây. Năm 1961 vẫn có người cho rằng: “Nguyễn Trường Tộ là một con người có nhiều nghi vấn về chính trị”[4].
Thuở này còn thế, thuở đó chắc còn nặng nề hơn.

Nghịch lý 5: Thực và ảo
Trong dòng phái duy tân nửa cuối thế kỷ XIX những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ là hệ thống nhất, đầy đủ nhất và toàn diện nhất. Phần lớn những đề nghị của ông là thực tế, cụ thể và chi tiết, do vậy có tính khả thi cao. Bên cạnh ưu điểm lớn đó, trong các bản điều trần, đây đó lộ ra những điều không thực tế, tựa như ông sao chép nguyên văn những điều đọc được, thấy được ở nước người, không có tính đến điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước ta thời đó. Có những điều không tưởng đến lạ và như vậy không có tính khả thi. Thực và ảo, hiện thực và không tưởng trở thành hai cực đối lập trong một số điều trần của ông. Ở đây chúng tôi xin dẫn ra làm ví dụ những điều không tưởng trong một số điều trần của ông.
Chẳng hạn, trong một bản điều trần Nguyễn Trường Tộ nêu ra 4 biện pháp dẹp hải tặc nhằm phát triển nội ngoại thương, trong đó theo chúng tôi có hai biện pháp là không tưởng:
1. Nhà nước nhờ Pháp đàn áp
2. Xúc tiến việc đào kênh nội địa thay cho vận chuyển đường biển. Cụ thể, theo ông đề nghị Nhà nước đào một con kêh từ Hải Dương đến kinh đô Huế.
Làm sao có thể nhờ kẻ thù giúp ta dẹp hải tặc được. Thực dân Pháp trong quá trình thôn tính nước ta đã ép triều đình Huế, mượn tay triều đình Huế làm những việc vì lợi ích của chúng. Điều đó thể hiện rỏ trong hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862 có một điều khoản nói rõ Pháp sẽ trả Vĩnh Long cho triều đình Huế với điều kiện triều đình dẹp yên những cuộc nổi dậy của nông dân các tỉnh miền Đông mà chúng chiếm đóng, mà trung tâm là cuộc khởi nghĩa Trương Định ở Tân An, Gò Công thuộc tỉnh Định Tường. Còn giải pháp thứ hai cũng tương tự. Làm sao với kỹ thuật của ta, sức của ta vào nửa cuối thế kỷ XIX lại có thể đào được một con kênh nối sông Hồng ở bắc với sông Hương ở miền Trung, dù là đào từng đoạn nối sông Hồng với sông Đáy, nối sông Đáy với sông Mã, nối sông Mã với sông Lam, nối sông Lam với sông Gianh, nối sông Gianh với sông Thạch Hãn, nối từ Thạch Hãn tới sông Hương. Kỹ thuật thời đó chưa cho phép xuyên thủng dãy Hoành Dơn (ở đoạn đèo Ngang bây giờ) để dẫn nước sông Lam (Nghệ An) hòa vào sông Gianh (Quảng Bình). Mãi đến đầu thế kỷ XX khi xây dựng tuyến đường sắt xuyên Việt, nước Pháp không đủ khả năng khắc phục chướng ngại vật thiên nhiên đó, cho nên khi đường sắt tới Vinh, họ đã “nắn” cho đường sắt ngược lên Trường Sơn ở Tân Ấp (Quảng Bình) rồi từ đó chạy xiên về Đồng Hới. Cực chẳng đã mới làm như vậy, chứ thực ra đoạn đường s8at1 từ Vinh đến Đồng Hới là đoạn đường phi kinh tế nhất.
Năm nghịch lý đã nêu (4 nghịch lý khách quan và 1 nghịch lý chủ quan) tạo thành một bức tường kiên cố không thể vượt qua. Những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ và của cả dòng phái cải cách nửa cuối thế kỷ XIX đã va phải bức tường kiên cố đó, vỡ tung thành những mảnh vụn, để rồi chỉ còn lại trong ký ức đẹp đẽ của người Việt chúng ta như những ước mơ về con đường dẫn đến dân giàu, nước mạnh.



ß KHoa Lịch Sử trường ĐHKHXH và NV, Hà Nội
[1] Bia mộ dựng ở Khiêm Lăng, Huế.
[2] Dẫn theo Yoshihara, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Ban khoa học xã hội Thành ủy TP. Hồ Chí Minh xuất bản, 1990, tr. 184.
[3] Hồ Vương. Trở về dân tộc, tập san Nhịp cầu, số 2, 1962.
[4] Xin xem bài: Góp them ý kiến về việc đánh giá Nguyễn Trường Tộ của hồ Hữu Phước và Phạm Thị Minh Lê. TC Nghiên cứu lịch sử, số 31, 10 – 1961.

KÝ CON (Đoàn TRần Nghiệp, 1908 – 1930)


Một trong những Đảng viên tích cực của Việt Nam Quốc Dân Đảng, có tài liệu cho rằng tên thật là Đặng Trần Nghiệp, bí danh là Doãn, Sĩ Hiệp, sinh năm 1908 tại phố Hàng Sơn, Hà Nội, quê làng Khúc Thủy, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (Hà Nội) trong một gia đình làm nghề kim hoàn. Năm 18 tuổi Đoàn Trần Nghiệp phải vào làm cho hãng Goda ở Hà Nội với chân bán hàng. Đầu năm 1928, ông được giới thiệu vào Việt Nam Quốc Dân Đảng sau được giao việc trông coi và mua bán, xuất nhập cho khách sạn Việt Nam, một thương điếm do Việt Nam Quốc Dân Đảng mở ở số 38 Hàng Bông Đệm (9.1928). Là người nhỏ tuổi hơn cả nên nhân viên trong khách sạn gọi đùa ông là “Ký Con”, cái tên Ký Con gắn với ông từ đó. Sau vụ ám sát Bazin (9.2.1929), khách sạn Việt Nam bị đóng cửa, thực dân Pháp bắt Ký Con nhưng vai trò của Đoàn Trần Nghiệp lúc đó chưa quan trọng và cũng không có chứng cứ nên ông được thả. Từ đó ông hoạt động sát cánh bên lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng là Nguyễn Thái Học. Thấy ông là người gan dạ, kín đáo nên Nguyễn Thái Học tin tưởng, cử vào Ban ám sát, một tổ chức chuyên việc trừng trị những tên thực dân, Việt gian, những kẻ phản bội tổ chức. Người ta kể rằng, Đoàn Trần Nghiệp có dáng người nhỏ bé thư sinh, nước da trắng mịn, khuôn mặt trái xoan, cặp mắt sáng nhưng có vẻ mơ màng, đôi môi đỏ như son lúc nào trông cũng như mỉm cười, tính điềm đạm ít nói, thế nhưng ông hoàn thành một cách xuất xắc công việc ở Ban ám sát với một thái độ bình tĩnh và lạnh lùng. Điển hình là vụ xử tử Nguyễn Văn Kinh, một người trước ở trong Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng đã phản bội tổ chức và gây nhiều thiệt hại cho Đảng. Bữa đó, ngày 6.9.1929, ông rút súng bắn vào đầu Kinh rồi thản nhiên để vào ví kẻ phản bội bốn chữ “Không Giữ Lời Thề” và ung dung lên xe đạp đi. Đoàn Trần Nghiệp cũng là người biết rõ phải, trái và hành động theo nhận thức của mình. Đầu năm 1930, có một số đảng viên không nhất trí quyết định khởi nghĩa của Đảng ở nhiều địa phương tại Bắc Kỳ, vì thế các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng ra lệnh cho Đoàn Trần Nghiệp phải thủ tiêu những người bất đồng quan điểm này. Đoàn Trần Nghiệp được giao thủ tiêu Lê Hữu Cảnh nhưng ông đã không làm việc đó. Sau này Lê Hữu Cảnh vẫn tiếp tục hoạt động tích cực cho Việt Nam Quốc Dân Đảng, khi bị thực dân PHáp bắt, đã ném bình mực vào tên cảnh sát PHáp, rồi nhảy lầu tự tử. Trong cuộc khởi nghã của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930, Đoàn Trần Nghiệp phụ trách việc ném bom ở Hà Nội. Ông tổ chức Đội cảm tử mang bom ném vào nhà của Chánh mật thám Arnoux, vào Hỏa Lò, Sở Sen đầm, cảnh sát quận nhất và quận hai ở Hà Nội, cắt các đường điện thoại của thực dân ở đây. Sau vụ ném bom ở Hà Nội đêm 10.2.2930, Đoàn Trần Nghiệp bị Sở Mật thám Bắc Kỳ truy nã gắt gao. Chúng cho in hình ông và rải cáo thị hứa thưởng 5.000 đồng cho người nào giết hoặc bắt được Đoàn Trần Nghiệp. Ông phải rời Hà Nội xuống làng Dư Hàng, ngoại ô Hải Phòng. Tháng 6.1930 ông bị mật thám bắt ở Nam Định và bị đưa về Hà Nội. Trong Sở Mật thám Hà Nội, ông đã trả lời ký giả người Pháp Louis Roubaud rằng mục đích những việc làm của ông là “Để đuổi người Pháp ra khỏi xứ An Nam”.
Ngày 5.8.1930 Đoàn Trần Nghiệp đã bị kết án tử hình. Cuối năm 1930 ông bước lên máy chém tại địa điểm trước nhà ngục Hỏa Lò, Hà Nội.

V.H.L

Wednesday, June 29, 2016

HIỆN THỰC XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI TỰ ĐỨC QUA CÁC DI THẢO CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ



PGS. Phan Văn Banß

Nếu như chắp nối những mảng hiện thực nằm rải rác trong các di thảo của Nguyễn Trường Tộ, ta thấy sẽ có một bức tranh chung về tình hình đất nước Việt Nam dưới thời Tự Đức. Bức tranh ấy phản ánh mọi mặt tình hình nội trị cũng như ngoại trị, phản ánh khá đúng dắn mâu thuẫn giai cấp và dân tộc, cuộc đắu tranh giai cấp và dân tộc (nói theo thuật ngữ hiện đại), những thảm họa và thử thách mà nhân dân ta phải chịu đựng, phải đương đầu. Đó là một thời đại rối loạn, họa binh đao diễn ra liên mien cả Nam lẫn Bắc, đất nước bị giặc chiếm làm hang ổ, cướp biển hoành thành, thiên tai “cảnh cáo” liên tiếp, quyền lực quốc gia ngày càng giảm sút, ngân khố không còn đủ cung ứng cho quân mã, tiền của và sức lực nhân dân kiệt quệ vì thường xuyên “bị thôi thúc cung đốn các khoản”, đường buôn bán không thong, xóm làng điêu tàn, nhân dân xiêu tán hoặc biến thành những kẻ du thủ du thực, những kẻ vô lại quấy phá trật tự an ninh, hoặc bất bình nổi dậy như “Thắng Quảng” ở Trung Hoa. Trong “Kế hoạch vay tiền dùng vào việc binh” (4/1871), Nguyễn Trường Tộ viết: “Nước ta gần đây phải đánh Nam dẹp Bắc, của cải tích lũy đã cạn. Dân gian bị lụt lội, hạn hoán, sâu rầy, làng xóm hư hao. Bên ngoài cướp biển hoành hành, đường buôn bán không thong. Bên trong, sự cung đốn cho nhà nước ngày một gia tăng, lòng dân rời rạc. Tất cả đều do nghèo thiếu của cải gay nên. Tôn tử nói: sức kém, tiền thiếu, người ta sẽ thừa cái tệ ấy mà nổi dậy”.
Đó là thời kỳ đường hiền tài bế tác, trí học không mở mang, tâm lực không đồng, gian dối trở thành tập quán, các tệ đoạn chồng chất.
Nổi bật trên bối cảnh đất nước ở thế “suy” và vận “mạt” làm nền ấy là thực trạng đau buồn về hệ thống quan lại từ trên xuống dưới, từ “thánh thượng” và đám cận thần của ông ta ở trên cho đến các quan viên ngoài nội từ cấp tỉnh đếncấp huyện đến bọn cường hào lý dịch ở các xã, các làng như là tấm gương phản chiếu sự bế tắc khủng hoảng của đất nước, đồng thời là thủ phạm chính của tình hình rối loạn ấy.
Trước cảnh họa bị xâm lược, đất nước bị giặc chiếm làm “sào huyệt” vua quan triều Tự Đức không thi thố được kế sách nào khả dĩ động đến  “lông “ của chúng, tệ hại hơn là còn nối giáo cho giặc “đàn áp những cuộc khởi nghĩ của dân chúng”.
Trong di  thảo “Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ” (4/1868), Nguyễn Trường Tộ đã tỏ ra phẫn nộ khi ông viết: “Hiện nay tình hình trong nước rối loạn…Thế mà đối ngoại thì không có cách nào để động đến mảy may lông của quân Pháp, cũng chẳng thuyết phục được ai để giải vây cho, lại đi tàn sát dân mình, giận cá chém thốt khiến cho dân bị hai cái hại “cháy nhà vạ lây”.
Thật đúng như câu nói “đào ao nuôi cá”, “nối giáo cho giặc”. Cây thối trước hết nó tự hủ mục sau mới bị sâu đục, nước mình trước hết không biết giữ thể diện thí người ta mới khinh mình, dân loạn trong rồi kẻ địch mới nhân đó mà vào. Như thế loạn không chỉ từ bên ngoài mà ngay ở trong nước vậy.
Than ôi! Dân chúng phụng sự quan trên, đóng thuế nạp tô để mạng sống được yên thân, thế mà bây giờ lại lấy những thứ nuôi sống người đó để làm hại người, nỡ khiến dân chúng vấp phải họa binh đao, nỡ tranh giành cái nhỏ mà bỏ cái lớn, cũng như muốn bảo tổn cành lá mà lại đem đẫn cả cội gốc. Cho nên mới nói: không sợ giặc ngang tàng mà sợ lòng người rời rạc, đã muốn chóng mất, thì dù có thành trì bằng kim loại, có ao nước sôi cũng phải bỏ mà chạy, ai ở đó mà chịu chết cho”[1].
Qua di thảo của Nguyễn Trường Tộ, quan chế thời Tự Đức là một hệ thống quan liêu nặng nề đến mức “10 con dê 9 người chăn” “1 con ngựa 9 người giữ”. Hệ thống ấy vừa làm cho triều đình tốn nhiều lương bổng vừa tạo ra tình trạng quan dân cách xa muôn dăm, khiến cho trên dưới không thong, lòng dạ khác nhau. Quan viên phần lớn là bất tài, quan võ như đề đốc, lãnh binh có người không đọc được binh thư, chỉ viết hai chữ “tuân phụng”, làm việc gì cũng đặt cái “vị tư vị kỷ” lên trước, “không thật làm việc gì công ích”, xu nịnh tang bốc, dối trên là “chính lệnh ôn hòa”, chèn ép những kẻ cô thế, khích bác những người trung thực thanh liêm, che đậy cho những kẻ xảo quyệt điêu ngoa để thủ lợi. Quan tòa thì lợi dụng dân trí thấp kém, chữ nghĩa rắc rối, thủ thục đơn từ kiện tụng rườm rà để bóp tròn bóp méo sự thật và công lý. Con đường thăng quan tiến chức là con đường sống lâu lên lão làng, con đường đút lót, con đường “tập ấm” gặp may chứ không phải do thực tài, do đó dân “kính sợ” quan là kính sợ quyền chức chứ không phải do nhân phẩm của quan.
Quần thấn trong triều đình chỉ là một “đám gia nhân” chỉ biết làm trò hề cho vui lòng vua, che đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chặn những bậc hiền tài, chia bè lập đảng khuynh loát lẫn nhau. Ngoài nội, ở các tỉnh thì quan lại tham nhũng, xưng hùng xưng bá, tác phúc tác oai, bòn rút mỡ dân, đục khoét tủy nước; quan phủ, quan huyện chỉ lo đàn ca xướng vịnh, đi công cán thì tiền hô hậu ủng, bắt dân chầu chực nghinh đón; ở các làng các xã thì bọn lý dịch hương hào bao chiếm đất công, biến ruộng công thành đất riêng làng mình dùng vào cúng tế, hát xướng, nhân danh sửa đình, sửa miếu để bớt xén đến phân nửa, dựa vào “tài dắp vá quỷ quyệt” để trốn thuế, lậu thuế, man khai số đinh để thu của dân thì nhiều nộp thuế lên quan thì ít.
Theo Nguyễn Trường tộ những tệ đoan trên đã trở thành “tập quán kên cố sâu dày khó một sớm một chiều mà thay đổi được”; và một trong những nguyên nhân đẻ ra sự bất lực, hôn mê và những tệ chồng chất trên là do học thuật của nước nhà mà dinh lũy của nó học thuyết Tống Nho đã lỗi thời. Đó là lối học thủ cựu, nệ cổ tự mãn tự túc, cho thiên hạ không ai hơn mình.
“Người thời nay phần nhiều không hiệu được sự thế xưa nay dời đổi ra sao, cứ ca tụng thời xưa, cho rằng thời sau không thể nào bằng được. Làm việc gì họ cũng đều muốn đi ngược lại theo xưa. Bọn Tống Nho sở dĩ làm hại đất nước, làm đất nước hèn yếu không phát đạt đều do tư tưởng này mà ra cả” (Tế cấp bát điều – 11/1867”)[2].
Đó là lối học giáo điều, không “suy nghĩ bằng bản thân ta”, chỉ nhai đi nhai lại “những nghĩa lý cặn bã”, lấy binh hình, luật lệ, sử ký, địa lý, văn chương Trung Hoa làm khuôn vàng thước ngọc:
“Ngày nay chúng ta lúc nhỏ thì học văn từ, thơ phú, lớn lên thì làm lại luật, lịch, binh hình. Lúc nhỏ học nào Sơn Đông, Sơn Tây, mắc chưa từng thấy, lớn lên ra làm quan thì Nam Kỳ, Bắc Kỳ. Lúc nhỏ thì học thiên văn, địa lý, chính trọ, phong tục bên Tàu (mà nay họ đã sửa đổi khác rồi), lớn lên thì lại dùng đến địa lý, thiên văn chính trị, phong tục của nước Nam hoàn toàn khác hẳn…Còn bao nhiêu việc tương tự như thế, mòn bút khô môi cũng không kể xiết”[3]
Học thuật cũ còn là lối học phù phiếm, học để được thanh nhàn, cốt để thạo khai, thừa, chuyển hợp, rành các thanh bình, thượng, khứ, nhập mà hậu quả là “khi sa cơ lỡ vận cầu ấm no cho một thân mình còn chưa được, nói chuyện làm cho dân no ấm”.
Cái học thuật có đường lối sáng suốt, “quái gỡ” ấy chỉ có thể sản sinh ra một tầng lớp mà ông gọi là “hủ nho” và biết bao tệ đoan khác. Những tệ đoan nói trên chỉ là những tệ đoan thông thường, cạn cợt, dễ thấy mà thôi và trách nhiệm của tình trạng học thuật lỗi thời ấy một phần là do sách vỡ, một phần là do triều đình.
Những tệ đoan trên đục ruỗng hệ thống quan lại, theo Nguyễn Trường Tộ là có thực, hoàn toàn không phải vu cáo và để kiểm chứng cho những lời nói của mình, ông đã đề nghị cử những người trung thực ra Bắc Kỳ và vào Gia Định giả làm dân thường để thẩm tra.
Với tinh thần “phàm kẻ có trí trong thiên hạ là người không phải không có lầm lạc ban đầu mà chỉ là người biết thay đổi hành động, không phải không có sự sai lạc nhưng biết sửa điều sai thành điều đúng đắn, không xấu hổ vì phải sửa đổi cái cũ mà xấu hổ vì không làm được điều gí mới, không nhìn lui dĩ vãng mà chuyên mưu việc tương lai, không nghĩ gì đến bảo toàn tên tuổi của riêng mình, mà lo lợi ích chung cho đất nước (Tế cấp bát điều)[4], Nguyễn Trường Tộ đã kiến nghị một hệ thống biện pháp cải cách khá toàn diện và cụ thể.
Từ hiện thực xã hội được phản ánh qua các di thảo của Nguyễn Trường Tộ có thể rút ra được kết luận:
Ngoài những phẩm chất như không “màng công danh”, không “hám tài sắc’, dám xả thân gánh vác những trọng trách, những việc hiểm nguy, “vô vị lợi đến mức tuyệt đối”, Nguyễn Trường Tộ còn là một người thẳng thắng, cương trực. Trong điều kiện của một chế độ chuyên chế, nhà vua có quyền sinh quyền sát, mỗi lời nói mỗi hành động dễ bị khép tội “khi quân”, phẩm chất cương trực, thẳng thắn, dám nói lên sự thực mà không sợ thị phi, liên lụy của Nguyễn Trường Tộ xứng đáng được người đời tôn vinh. Những phẩm chất nói trên đều xuất phát từ tấm lòng của một con người yêu nước thương nòi thiết tha, đau xót trước thảm cảnh đất nước bị chia cắt, bị giao long chiếm làm đầm vực, nhức nhối cảnh trăm họ lìa tan, căm thù giặc đến mức không thể chung sống, tìm kế đánh giặc không một phút nghỉ ngơi như Khổng Minh ngày đêm tìm cách đánh Ngụy, canh cánh một hoài bão làm cho dân giàu nước mạnh để rong ruổi cùng thiên hạ năm châu.
Để đất nước rối loạn, lòng dân rời rạc, quan dân cách xa muôn dặm, ngân khố trống rỗng không đủ sưc cung đốn cho quân mã, quan lại bòn rút mỡ dân, đục khoét tủy nước; để đất nước bị giao ling chiếm làm đầm vực mà không thi thố được một kế sách gì lại còn giận cá chém thớt, trách nhiệm này thuộc về ai? Không cần vạch mặt chỉ tên, chắc ai cũng rõ!
Những mảng hiện thực trong các di thảo của Nguyễn Trường Tộ mà chúng tô dẫn ra mới chỉ khái quát một phàn có lẽ là những tài liệu trung thực, khách quan và có sức thuyết phục hơn cả, khi giáo viên muốn làm rõ thực trạng đất nước ta trước thách thức sống còn là sự xâm lược của thực dân Pháp.



ß Đại học Vinh
[1] Nguyễn Trường Tộ, dẫn theo: Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo, Trương Bá cần, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1988.
[2] Nguyễn Trường Tộ, dẫn theo: Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo, Trương Bá cần, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1988
[3] Nguyễn Trường Tộ, dẫn theo: Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo, Trương Bá cần, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1988
[4] Nguyễn Trường Tộ, dẫn theo: Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo, Trương Bá cần, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1988

KIỀU OÁNH MẬU (1854 – 19120


Tên thật là Kiều Dực sau đổi lại là Kiều Cung, tự Tự Yến, hiệu Giá Sơn, người xã Đông Sàng, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (Hà Sơn Bình). Sinh ra trong một gia đình nhà nho có truyền thống khoa cử, cha là Kiều Thăng đỗ cử nhân, Kiều Oánh Mậu đỗ cử nhân năm Kỷ Mão (1879) năm sau đỗ Phó bảng (1880), được bổ làm Tri phủ, sau không biết vì lý do nào ông bị giáng xuống Tri huyện. Sau đó bỏ ấn từ quan, chuyển sang làm báo “Đồng Văn”, chuyên biết và biên soạn, xuất bản sách. Những tác phẩm đáng chú ý của ông là Bản triều bạn nghịch liệt truyện được viết vào năm Tân Sửu Thành Thái thứ 13 (1901). Đây là tác phẩm ghi lại hầu hết những cuộc nổi dậy chống lại triều đình nhà Nguyễn từ khi Nguyễn Ánh lấy được Phú Xuân và đặt niên hiệu Gia Long (1802) cho đến khi Kiều Oánh Mậu soạn cuốn sách này (1901), nghĩa là đúng 100 năm. Năm 1902 Kiều Oánh Mậu cho xuất bản ở Hà Nội cuốn Đoạn trường tân thanh do ông bổ sung, đính chính và chú thích một cách tỉ mỉ. Ngoài ra, Kiều Oánh Mậu còn viết đề tựa cho cuốn Thang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, duyệt lại các sách Bút toán chỉ nam
Kiều Oánh Mậu mất năm 1912.

V.H.L.

QUAN HỆ GIỮA THỰC DÂN PHÁP VÀ TRIỀU ĐÌNH HUẾ DƯỚI THỜI PHÁP ĐÔ HỘ



Ts. Vũ Thị Hòaß

Qua gần 40 năm cuối thế kỷ XIX thực dân Pháp mới chinh phục được Việt Nam, đặt ách đô hộ trên toàn bộ nước ta. Tuy nhiên, chúng đã chủ trương không xóa bỏ triều đình Huế, mà để nó tồn tại đến năm 1945. Quan hệ giữa chính quyền thực dân với triều đình Huế diễn ra như thế nào? Thực chất của mối quan hệ đó là gì? Vần đề cần được tìm hiểu.
Năm 1784, để chống lại Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã giao hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc sang Pháp ký hiệp ước Versailles, hiệp ước mở đường cho thực dân Pháp xâm lược Việt Nam ở cuối thế kỷ sau.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Trong khi các phong trào đấu tranh của nhân dân ta dấy lên ở khắp nơi tiếp tục kháng chiến thì triều đình Huế đã ký các bản hiệp ước, từng bước dâng nước ta cho chúng. Hai hiệp ước 1862, 1874 đã biến toàn bộ lục tỉnh Nam Kỳ thành thuộc địa của thực dân Pháp. Sau khi mất Nam Kỳ, biết sức mình không thể chống lại được thực dân Pháp, triều đình Huế ngoài việc xin cầu hòa “chuộc đất” với Pháp, còn tìm cách giao thiệp với các cường quốc để cầu viện, đặc biệt là với nhà Thanh. Triều đình Huế đã tiếp xúc với toàn quyền Anh, lãnh sự Tây Ban Nha, lãnh sự Đức ở Hương Cảng. Để hạn chế độc quyền của Pháp ở Việt Nam, các nước phương Tây cũng muốn đặt lãnh sự ở nước ta hoặc ký thương ước. Những cố gắng của triều đình Huế đều bị thất bại. Năm 1885, hiệp ước Thiên Thân giữa Pháp và Trung Hoa quy định nhà Thanh phải thừa nhận sự bảo hộ của thực dân Pháp ở nước ta.
Hai hiệp ước 1883, 1884 chấp nhận sự bảo hộ của thực dân Pháp trên toàn bộ lãnh thổ còn lại của nước ta (Trung Kỳ và Bắc Kỳ). Với hiệp ước 1883 thực dân Pháp chia Việt Nam ra ba “kỳ”. Nước ta mất quốc hiệu. Theo Hiệp ước 1884, triều đình Huế không còn quyền đối ngoại, nhưng về danh nghĩa còn giữ quyền nội trị, quyền bình trị. Điều 16 của hiệp ước ghi rõ: “Hoàng đế An Nam tiếp tục điều khiển như trong quá khứ nền hành chính nội bộ của vương quốc”[1]. Nhưng sau khi đặt ách thống trị lên đất nước ta, thực dân Pháp đã dần từng bước củng cố, mở rộng bộ máy thống trị của mình và dần từng bước tước đi những quyền còn lại của triều đình Huế.
Tại Nam Kỳ, thực dân Pháp trực tiếp nắm quyền ci trọ về mọi mặt. Ngày 25 – 6 – 1867, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ ra bản tuyên bố: “Toàn bộ sáu tỉnh Nam Kỳ là lãnh địa của Pháp. Kể từ nay triều đình Huế không còn quyền lực gì đối với Nam Kỳ lục tỉnh nữa. Một chính quyền duy nhất tồn tại ở Nam Kỳ, đó là chính quyền của người Pháp”[2].
Tại Bắc Kỳ, với ý đồ tách Bắc Kỳ khỏi triều đình Huế, thực dân Pháp đề nghị vua Đồng Khánh trao quyền bổ nhiệm quan lại cho một thượng quan Việt Nam đóng ở Bắc Kỳ. Ngày 3 – 6 – 1886 vua ra dụ thiết lập chức Kinh lược sứ Bắc Kỳ. Chức này được thay mặt vua cai quản Bắc Kỳ. Mỗi năm vị Kinh lược chỉ phải một vài lần về kinh tâu vua. Được giao quyền hạn rộng rãi, nhưng viên Kinh lược sứ chủ yếu làm nhiệm vụ trung gian: báo có việc hành chính của các tỉnh về triều đình và Thống sứ Pháp; ban bố các hiệu lệnh của triều đình ra các tỉnh.
Sau khi chiếm cả Campuchia, năm 1887 khối Đông pháp được thành lập, bao gồm thuộc địa Nam Kỳ và ba xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Cao Miên, đặt dưới sự điều khiển của một viên Toàn quyền. Sắc lệnh tổ chức khối Đông Pháp ghi rõ: “Tất cả các lãnh thổ thuộc Pháp ở Đông Dương sẽ được đặt dưới quyền của quan Toàn quyền là đại diện trực tiếp của chính phủ Pháp trong mọi lãnh thổ sát nhập hay bảo hộ và chỉ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Thuộc địa”.
Ngày 27 – 7 – 1897, thực dân Pháp ép vua Thành Thái ra đạo dụ bãi bỏ chức Kinh lược Bắc Kỳ, chuyển giao toàn bộ “quyền hành” vào tay Thống sứ. Từ đây Thống sứ Bắc Kỳ nhân danh nhà vua Việt Nam cai trị xứ Bắc Kỳ mà không tham khảo ý kiến của nhà vua. Ở các tỉnh có Công sứ người Pháp, mọi quan lại Nam triều từ tỉnh đến phủ, huyện, cơ sở đều phục tùng mệnh lệnh Công sứ. Từ đây, vua và triều đình Huế không còn chút quyền hành gì ở Bắc Kỳ.
Năm 1888, vua Đồng Khánh còn nhường cho Pháp “quyền sở hữu” ở Hà Nội, Hài Phòng, Đà Nẵng. Ba tỉnh thành đã trở thành nhượng địa của thực dân Pháp.
Tại Trung Kỳ, triều đình Huế vẫn được duy trì; giúp việc cho vua vẫn có Hội đồng phụ chính. Hội đồng Phủ tong nhân, Viện cơ mật, Hội đồng Thượng Thu. Năm 1897, với cái gọi là “cải tổ”, theo yêu cầu của Pháp, vua bãi bỏ Hội đồng Phụ chính, Hội đồng Thượng thư. Viện cơ mật trở thành một loại Hội đồng nội các mà các phiên họp phải đặt dưới quyền chủ tọa của quan Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ. Nhà cầm quyền Pháp còn cử một số công chức người Pháp biệt phái bên cạnh các vị Thượng thư để phụ tá công việc. Việc bổ nhiệm thăng giáng các aun lại triều đình là do khâm sứ Pháp chuẩn y hoặc trực tiếp bổ nhiệm.
Ngày 16 – 11 – 1925, vua Khải Định mất, Vĩnh Thụy, lên ngôi khi mới 12 tuổi. Nhân dịp này, chính quyền bảo hộ ép Nam triều ký một hiệp ước chuyển giao cho viên Khâm sứ Pháp các quyền hạn chính trị và tư pháp cuối cùng còn lại của vua An Nam (Hiệp ước 25 – 11 – 1925).
Năm 1932, Khâm sứ Pháp còn trở thành Chủ tịch Hội đồng Hoàng tộc.
Ở các chính quyền địa phương, Pháp vẫn dùng một số quan lại người Việt nhưng họ đều do người Pháp bổ nhiệm và được chính quyền thuộc địa trả lương. Quyền lợi của họ gắn chặt với chính quyền thuộc địa chứ không gắn với triều đình Huế.
Như vậy, chế độ bảo hộ đã nhường chỗ cho chế độ trực trị; tổ chức hành chính của Pháp đã choán chỗ của tổ chức hành chính của Việt Nam. Trên thực tế cả ba miền Bắc, Trung, Nam của nước ta đã trở thành thuộc địa của Pháp. Vua quan nhà Nguyễn chỉ là những bù nhìn, tay sai của thực dân Pháp.
Trước sự lấn dần của thực dân Pháp, triều đình Huế đã đôi lần phản kháng, đề nghị cải cách chế độ thống trị của thực dân Pháp, đòi trả lại quyền hành cho nhà Nguyễn, như các vua Thành Thái, Duy Tân đã làm. Năm 1922, vua Khải Định và Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, cũng sang Pháp yêu cầu giao lại quyền hành của Bắc Kỳ theo đúng tinh thần của HIệp ước 1884, nhưng không đạt kết quả.
Năm 1932 vua Bảo Đại sau mười năm du học ở Pháp đã trở lại Việt Nam, nhận ngôi báu. Năm 1933, Bảo ĐẠi  quyết định tự mình chấp chính và công bố một chương trình cải cách rộng lớn. Bảo Đại còn cho thành lập Ủy ban cải cách, gồn các vị Thượng thư và các quan chức người Pháp. Nhưng phong trào cải cách do Bảo Đại đề xướng không thành vì chính quyền bảo hộ Pháp không chấp nhận.
Vào nửa cuối những năm 1990, chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp thi hành một số cải cách ở Việt Nma. Trước tình hình đó, năm 1938, Bảo Đại lại một lần nữa đưa ra đề nghị sửa đổi hiệp ước bảo hộ, đòi trả lại cho Việt Nam chủ quyền nội bộ, nhưng cũng không được Pháp chấp nhận.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 10 – 3 – 1945, đại sứ Nhật công bố “Việt Nam độc lập”. Ngày 11 – 3 – 1945, Bảo đại tuyên bố chấm dứt chế độ bảo hộ. Trên thực tế nền độc lập mà Nhật Bản trao cho Việt Nam chỉ là giả hiệu. Nền chính trị ở nước ta vẫn y như trước, có khác chăng là công chức người Nhật thay thế người Pháp.
Trước sự xâm lược lấn át dần của thực dân Pháp, tuy triều đình Huế về cơ bản chịu khuất phục ngoan ngoãn làm tay sai, nhưng vẫn có lúc tỏ thái độ chống đối (mạnh mẽ là các vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân).



ß Khoa Sử – Đại Học Sư phạm Hà Nội
[1] Trích theo: Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ – Nguyễn Thế Anh. Trung tâm xuất bản học liệu. Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên Sài Gòn, 1974.
[2] Việt Nam những sự kiện Lịch sử 1858 – 1918 – Dương Kinh Quốc, NXB Giáo Dục, 1990, tr. 67