Saturday, July 2, 2016

KÝ CON (Đoàn TRần Nghiệp, 1908 – 1930)


Một trong những Đảng viên tích cực của Việt Nam Quốc Dân Đảng, có tài liệu cho rằng tên thật là Đặng Trần Nghiệp, bí danh là Doãn, Sĩ Hiệp, sinh năm 1908 tại phố Hàng Sơn, Hà Nội, quê làng Khúc Thủy, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (Hà Nội) trong một gia đình làm nghề kim hoàn. Năm 18 tuổi Đoàn Trần Nghiệp phải vào làm cho hãng Goda ở Hà Nội với chân bán hàng. Đầu năm 1928, ông được giới thiệu vào Việt Nam Quốc Dân Đảng sau được giao việc trông coi và mua bán, xuất nhập cho khách sạn Việt Nam, một thương điếm do Việt Nam Quốc Dân Đảng mở ở số 38 Hàng Bông Đệm (9.1928). Là người nhỏ tuổi hơn cả nên nhân viên trong khách sạn gọi đùa ông là “Ký Con”, cái tên Ký Con gắn với ông từ đó. Sau vụ ám sát Bazin (9.2.1929), khách sạn Việt Nam bị đóng cửa, thực dân Pháp bắt Ký Con nhưng vai trò của Đoàn Trần Nghiệp lúc đó chưa quan trọng và cũng không có chứng cứ nên ông được thả. Từ đó ông hoạt động sát cánh bên lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng là Nguyễn Thái Học. Thấy ông là người gan dạ, kín đáo nên Nguyễn Thái Học tin tưởng, cử vào Ban ám sát, một tổ chức chuyên việc trừng trị những tên thực dân, Việt gian, những kẻ phản bội tổ chức. Người ta kể rằng, Đoàn Trần Nghiệp có dáng người nhỏ bé thư sinh, nước da trắng mịn, khuôn mặt trái xoan, cặp mắt sáng nhưng có vẻ mơ màng, đôi môi đỏ như son lúc nào trông cũng như mỉm cười, tính điềm đạm ít nói, thế nhưng ông hoàn thành một cách xuất xắc công việc ở Ban ám sát với một thái độ bình tĩnh và lạnh lùng. Điển hình là vụ xử tử Nguyễn Văn Kinh, một người trước ở trong Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng đã phản bội tổ chức và gây nhiều thiệt hại cho Đảng. Bữa đó, ngày 6.9.1929, ông rút súng bắn vào đầu Kinh rồi thản nhiên để vào ví kẻ phản bội bốn chữ “Không Giữ Lời Thề” và ung dung lên xe đạp đi. Đoàn Trần Nghiệp cũng là người biết rõ phải, trái và hành động theo nhận thức của mình. Đầu năm 1930, có một số đảng viên không nhất trí quyết định khởi nghĩa của Đảng ở nhiều địa phương tại Bắc Kỳ, vì thế các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng ra lệnh cho Đoàn Trần Nghiệp phải thủ tiêu những người bất đồng quan điểm này. Đoàn Trần Nghiệp được giao thủ tiêu Lê Hữu Cảnh nhưng ông đã không làm việc đó. Sau này Lê Hữu Cảnh vẫn tiếp tục hoạt động tích cực cho Việt Nam Quốc Dân Đảng, khi bị thực dân PHáp bắt, đã ném bình mực vào tên cảnh sát PHáp, rồi nhảy lầu tự tử. Trong cuộc khởi nghã của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930, Đoàn Trần Nghiệp phụ trách việc ném bom ở Hà Nội. Ông tổ chức Đội cảm tử mang bom ném vào nhà của Chánh mật thám Arnoux, vào Hỏa Lò, Sở Sen đầm, cảnh sát quận nhất và quận hai ở Hà Nội, cắt các đường điện thoại của thực dân ở đây. Sau vụ ném bom ở Hà Nội đêm 10.2.2930, Đoàn Trần Nghiệp bị Sở Mật thám Bắc Kỳ truy nã gắt gao. Chúng cho in hình ông và rải cáo thị hứa thưởng 5.000 đồng cho người nào giết hoặc bắt được Đoàn Trần Nghiệp. Ông phải rời Hà Nội xuống làng Dư Hàng, ngoại ô Hải Phòng. Tháng 6.1930 ông bị mật thám bắt ở Nam Định và bị đưa về Hà Nội. Trong Sở Mật thám Hà Nội, ông đã trả lời ký giả người Pháp Louis Roubaud rằng mục đích những việc làm của ông là “Để đuổi người Pháp ra khỏi xứ An Nam”.
Ngày 5.8.1930 Đoàn Trần Nghiệp đã bị kết án tử hình. Cuối năm 1930 ông bước lên máy chém tại địa điểm trước nhà ngục Hỏa Lò, Hà Nội.

V.H.L

No comments:

Post a Comment